Thời tiết mưa phùn, giá rét tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát, do đó Trạm Thú y huyện Hoa Lư đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo và lên Kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia cầm sớm nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Theo đó, Trạm Thú y huyện Hoa Lư đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, đặc biệt tiêm triệt để trên đàn thủy cầm. Ngoài ra, cán bộ thú y được điều động xuống các thôn, xóm, các hộ gia đình chăn nuôi để thống kê, rà soát lại toàn bộ số gia cầm hiện có, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch cúm gia cầm và tuyên truyền tới người dân nâng cao cảnh giác với dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lây lan.
Chính sự chủ động trong công tác phòng dịch mà đến nay 11/11 xã, thị trấn của huyện, với 100% đàn thủy cầm đã được tiêm vắc xin phòng bệnh. Huyện Hoa Lư không phải là địa phương trọng điểm về chăn nuôi gia cầm trong toàn tỉnh, nhưng lại là khu vực có lượng tiêu thụ gia cầm tương đối lớn. Trên địa bàn huyện hiện có 210.000 con gà, 84.400 con vịt, 7.100 con ngan, ngỗng, chủ yếu được chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình.
Bà Phạm Thị Hoàng Yến, Phó trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hoa Lư cho biết: Trạm Thú y huyện Hoa Lư đã tham mưu cho UBND huyện tiến hành triển khai kế hoạch tiêm vắc xin vụ xuân hè cho đàn gia cầm từ rất sớm. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã tiêm phòng bổ sung cho trên 19.370 con gia cầm, thủy cầm, đặc biệt tiêm triệt để cho đàn thủy cầm trên địa bàn.
Ngoài ra, Trạm cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo và thông tin liên lục tới người dân về tác hại, sự nguy hiểm của dịch cúm A (H5N1) và A (H7N9) trên gia cầm và người, tình hình diễn biến dịch bệnh trên toàn quốc, cũng như các biện pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh; thông báo công khai cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển và phòng, chống dịch bệnh động vật cho người chăn nuôi.
Gia đình ông Lê Văn Thịnh, phố Mỹ Lộ (thị trấn Thiên Tôn) đang nuôi đàn vịt gần 300 con và 200 con gà. Sau nhiều năm có kinh nghiệm chăn nuôi, ông đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm. Ông cho biết: Mỗi năm 2 lần ông đều tiêm vắcxin cho đàn gia súc, gia cầm theo đợt của Trạm Thú y huyện, ngoài ra, hàng tuần gia đình ông vệ sinh chuồng trại, mua vôi bột và hóa chất về phun nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh cho đàn vật nuôi. Theo ông, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm theo định kỳ và thường xuyên là biện pháp an toàn nhất để dịch bệnh không xuất hiện.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, tới đây huyện Hoa Lư sẽ triển khai Tháng vệ sinh khử trùng, tiêu độc, tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm triển khai phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại nuôi, khơi thông cống rãnh, quét dọn thu gom chất thải để xử lý; vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực lân cận. Đặc biệt, đối với những địa bàn có nguy cơ cao bùng phát dịch, công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cần tổ chức định kỳ 2 tuần 1 lần.
Đồng thời, thành lập các đội kiểm tra lưu động liên ngành nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm sự lưu hành của virut cúm tại các tụ điểm tập kết, vận chuyển, giết mổ và chợ bán gia cầm. Đặc biệt, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh bằng nhiều hình thức; giám sát, xử lý và khống chế kịp thời các ổ dịch mới nhằm ngăn ngừa lây lan ra diện rộng. Bên cạnh những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, thì ý thức, chủ động của người chăn nuôi và người dân đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Bài, ảnh: Nguyễn Thủy