Di tích lịch sử cấp tỉnh Đền Hạ ở thôn Quan Đồng, xã Ninh Mỹ là nơi thờ tự, tưởng niệm Côn Sơn Đại Vương - phúc thần của làng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược, Đền là căn cứ nằm trong tuyến phòng thủ của quân Tây Sơn. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ đều là căn cứ cách mạng, là nơi tập hợp lực lượng, hội họp cách mạng.
Đồng chí Phạm Xuân Mới, Trưởng thôn Quan Đồng cho biết: Đền Hạ có ý nghĩa lớn đối với nhân dân trong làng, từ khi xây dựng đến nay, di tích đã được nhân dân quân tâm, có ý thức bảo vệ tốt. Đền có lối kiến trúc cổ thời Hậu Lê; trong di tích còn lưu giữ nhiều tư liệu quý có niên đại thời Hậu Lê như sắc phong, ngai thờ và niên đại thời Nguyễn như bát hương, rùa đá… có giá trị nghiên cứu và lịch sử.
Qua thời gian, Đền Hạ có nhiều hạng mục công trình đang bị xuống cấp. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hàng năm, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, nhân dân đã đóng góp sức người, sức của để trùng tu, tôn tạo để di tích khang trang hơn. Riêng năm 2018, Đền được đầu tư trên 2,2 tỷ đồng tu sửa một số hạng mục công trình như sân bãi đỗ xe, tường bao, sơn hàng rào, đổ đất nâng sân, lát gạch sân, xây bếp… tạo nên cảnh quan khang trang, bề thế của di tích.
Đồng chí Phạm Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho biết: Trên địa bàn xã Ninh Mỹ có 3 di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là Đình Thượng, Đền Hạ và nhà thờ họ Nguyễn Thế Trưởng. Đối với việc tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các di tích lịch sử trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ninh Mỹ đặc biệt quan tâm.
Đảng bộ xã đã có các nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, từ năm 2015, xã Ninh Mỹ tập trung xây dựng nông thôn mới và đến nay tiếp tục nâng cấp lên xã nông thôn mới kiểu mẫu, việc quan tâm tôn tạo di tích được thực hiện theo hình thức xã hội hóa với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ, công khai, minh bạch, do đó đã huy động nguồn lực hiệu quả nhất.
Năm 2018, từ nguồn hỗ trợ ngân sách Nhà nước và nhân dân địa phương, của con em quê hương quyên góp được trên 2 tỷ đồng tu sửa di tích lịch sử địa phương. Năm 2019, địa phương tiếp tục vận động các nguồn lực để tu bổ di tích.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Gấm, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư cho biết: Huyện Hoa Lư có trên 200 di tích, trong đó có 65 di tích được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, gồm 27 di tích cấp Quốc gia (trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới) và 38 di tích cấp tỉnh; các di tích còn lại đã được kiểm kê.
Các di tích trên địa bàn huyện đều có giá trị về văn hóa, khoa học, có di tích niên đại trên 1.000 năm. Do vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các di tich trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm.
Những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu cho UBND huyện Hoa Lư ban hành các văn bản quản lý Nhà nước đối với các di tích, có sự chỉ đạo chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước, an ninh trật tự đối các di tích lịch sử - văn hóa.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa của di tích, di sản, về việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích được chú trọng. Ban Quản lý di tích, cấp chính quyền và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên phối hợp triển khai với nhiều hình thức.
Đối với các di tích, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế di tích; về thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích lịch sử - văn hóa, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Hiện 65/65 di tích lịch sử, văn hóa đều được hướng dẫn thành lập Ban quản lý di tích, xây dựng được Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý di tích phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị.
Công tác bảo tồn các hiện vật cổ còn lưu giữ trong di tích cũng được tăng cường. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với nguồn vốn xã hội hóa, một số di tích đã được tu bổ tôn tạo. Với di tích xuống cấp, khi có nguyện vọng trùng tu, tôn tạo, đã được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện hướng dẫn về các quy trình hồ sơ trình cấp thẩm quyền theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các di tích. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đặc biệt với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra nắm bắt tình hình về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích để có những biện pháp bảo vệ kịp thời.
Bài, ảnh: Hồng Vân