Nhìn hai đứa con ngoan ngoãn đã biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà trong những ngày nghỉ hè, vợ chồng anh T. và chị H. (tên nhân vật đã được thay đổi) ở xã Phú Sơn không giấu nổi niềm xúc động. Nếu không có sự vào cuộc tích cực của tổ hòa giải thôn, xã thì giờ này hạnh phúc của gia đình nhỏ đã bị vỡ tan bởi những mâu thuẫn không được xử lý kịp thời. Anh T chia sẻ: Chúng tôi yêu thương nhau mà nên nghĩa vợ chồng. Có thêm 2 con, niềm vui nhân lên gấp bội tưởng chừng khó khăn nào chúng tôi cũng có đủ nghị lực vượt qua. Nhưng cuộc sống dần nảy sinh những bất đồng quan điểm mà hai vợ chồng lại thiếu kỹ năng và chưa đủ sự rộng lượng, cảm thông để chia sẻ với nhau. Những mâu thuẫn nhỏ dồn nén trở thành mâu thuẫn lớn, đến mức chúng tôi xác định đến giải pháp cuối cùng là dắt nhau ra tòa ly hôn. "Nhưng rồi chị thấy đấy, chúng tôi lại tiếp tục đồng hành cùng nhau, cùng chung tay nuôi các con khôn lớn. Những vấp váp đã qua càng khiến chúng tôi thêm trân trọng cuộc sống hiện tại. Sẽ còn rất nhiều khó khăn ở chặng đường trước mắt, nhưng tôi nghĩ nếu vợ chồng thực sự biết sẻ chia với nhau mọi nỗi niềm trong cuộc sống thì hạnh phúc sẽ luôn ở lại. Những điều tưởng chừng đơn giản ấy được tổ hòa giải của xã Phú Sơn mang đến cho gia đình tôi"- anh T cho biết.
Chứng kiến sự hàn gắn thành công của những gia đình tưởng chừng đã đứng bên bờ vực của chia ly là niềm hạnh phúc đối với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở như chị Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Sơn (huyện Nho Quan). Chị Thúy cho biết: Hiện nay, các thôn trong xã đều có tổ hòa giải, ngoài ra còn có 1 tổ hòa giải cấp xã. Mỗi tổ hòa giải có đầy đủ đại diện các đoàn thể, người có uy tín. Đối với những mâu thuẫn mà cấp thôn không hòa giải được thì tổ hòa giải cấp xã sẽ vào cuộc. Những năm qua, các tổ hòa giải không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng, kỹ năng để hòa giải có hiệu quả các mâu thuẫn từ cơ sở, trong đó có nhiều vụ là mâu thuẫn trong gia đình. Qua trực tiếp làm công tác hòa giải cho các gia đình cho thấy, nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ những xung đột nhỏ nhưng không được giải quyết kịp thời để lại hậu quả lớn. Ví như người chồng chưa biết chia sẻ việc nhà, việc chăm sóc và giáo dục con cái với vợ. Hoặc người vợ thiếu sự quan tâm đến tâm lý của chồng; trong các gia đình nhiều thế hệ chưa có sự gắn kết giữa các thành viên…và đặc biệt, khi đã có những bất đồng quan điểm, các cặp vợ chồng thường lựa chọn phương án "chiến tranh lạnh" thay vì đối thoại để hiểu nhau hơn. Bởi vậy, sự vào cuộc của tổ hòa giải từ cơ sở là rất cần thiết, là "cầu nối" để hai bên chia sẻ, thấu hiểu nhau hơn. Trong năm 2019, các tổ hòa giải của xã Phú Sơn đã hòa giải thành công, hàn gắn được 2 vụ mâu thuẫn gia đình đứng trước nguy cơ ly hôn.
Trên địa bàn tỉnh ta, những năm qua, nhất là từ khi có Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả toàn diện từ việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thi hành, tuyên truyền phổ biến Luật đến việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; củng cố kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên. Đến nay, 100% các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã có tổ hòa giải. Toàn tỉnh hiện có 1.689 tổ hòa giải với 9.886 hòa giải viên. Chất lượng các vụ việc hòa giải thành ngày càng tăng (từ năm 2015 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 3.766 vụ việc và hòa giải thành 3.100 vụ việc, đạt 82,3%), trong đó, khoảng 50% số vụ việc hòa giải về mâu thuẫn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình như thừa kế, phân chia tài sản trong việc giải quyết ly hôn, trách nhiệm cấp dưỡng, va chạm trong sinh hoạt đang diễn ra hàng ngày... Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn hơn, từ tranh chấp thuần túy về hôn nhân gia đình, dân sự có thể trở thành vụ án hình sự, phá vỡ sự hòa thuận, hạnh phúc, yên vui của mỗi gia đình, làng xóm, sự hòa hợp của cộng đồng, nội bộ nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh nhằm định hướng nội dung trọng tâm tuyên truyền, phổ biến, hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, trong Ngày pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm, Sở Tư pháp chú trọng truyền thông nội dung chính sách quy định mới ban hành, các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội. Đồng thời, Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ký kết và triển khai Chương trình phối hợp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, qua đó góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, các tổ hòa giải, hòa giải viên cũng được tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình; lồng ghép hoạt động hòa giải với hoạt động của "Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc", "Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình", "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", "Câu lạc bộ phòng chống xâm hại trẻ em"...Thông qua đó, hòa giải viên đã giúp các thành viên nhận thức rõ quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trách nhiệm của các thành viên gia đình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, trẻ em, người cao tuổi..., từ đó ngăn ngừa tội phạm, xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong gia đình, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bài, ảnh: Đào Hằng