Xác định rõ tác dụng của công tác hòa giải đối với tình hình ANTT ở địa phương, năm 2017, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; củng cố kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.693 tổ hòa giải/1.676 thôn, tổ dân phố với 10.349 hòa giải viên; các tổ hòa giải được thành lập theo thôn, xóm, tổ dân phố; thường mỗi tổ hòa giải gồm các thành viên như: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; cán bộ MTTQ, thanh niên, phụ nữ già làng, chức sắc tôn giáo. Đa số tổ trưởng tổ hòa giải là bí thư chi bộ kiêm nhiệm. ở những địa phương có người dân tộc sinh sống đã bổ sung người dân tộc tham gia thành viên tổ hòa giải.
Để hòa giải viên làm tốt nhiệm vụ hòa giải, Sở Tư pháp đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ này với hình thức đa dạng như tập huấn, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên.
Trong năm, Sở đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho 800 hòa giải viên; rà soát, bổ sung 2.610 đầu sách pháp luật cho tủ sách pháp luật 145 xã, phường, thị trấn làm tài liệu cho hòa giải viên nghiên cứu khi thực hiện hoạt động hòa giải tại cơ sở.
Nội dung các vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư chủ yếu là mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, thừa kế... Thông qua hoạt động hòa giải đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng.
Không kể bất cứ thời gian nào, ngay cả ngày lẫn đêm khuya, cứ xóm dưới làng trên xảy ra chuyện tranh chấp là các hòa giải viên lại có mặt để hóa giải mâu thuẫn, kết nối yêu thương và đưa pháp luật gần hơn với nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Thái, Tổ trưởng Tổ hòa giải ở một xã của huyện Hoa Lư - người đã có nhiều năm làm công tác hòa giải cơ sở tâm sự: Trong những năm qua, tôi không nhớ mình đã hòa giải thành bao nhiêu vụ nhưng sự tận tâm của các hòa giải viên của Tổ hòa giải đã góp phần hóa giải nhiều mâu thuẫn, vun đắp sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm.
Ông nói: "Để làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải dành nhiều thời gian tìm hiểu thêm về kiến thức pháp luật, nhất là các bộ luật có liên quan trực tiếp đến đời sống như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Xử lý vi phạm hành chính… để có thể tuyên truyền, giải thích cho những người liên quan đến vụ việc cần hòa giải.
Những vụ việc không thể hòa giải được, các tổ hòa giải kịp thời hướng dẫn các đương sự hoặc trực tiếp chuyển vụ việc đến các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng pháp luật.
Không chỉ là cầu nối giữa mọi người, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Trong năm 2017, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.127 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành là 932 vụ việc (đạt 83%); số vụ việc hòa giải không thành là 150 vụ việc (chiếm 13%); số vụ việc chưa giải quyết xong: 45 vụ việc (chiếm tỷ lệ 4%). Một số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao như huyện Hoa Lư 87,5%, thành phố Tam Điệp 85%.
Như vậy, có thể thấy, đội ngũ hòa giải viên cơ sở không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống thường nhật của nhân dân, mà cả trong những sự việc "nóng", cao điểm liên quan đến tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần kéo giảm được đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp xảy ra.
Trần Dũng