Để hiểu rõ hơn về việc thực hiện Quyết định này trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Hữu Báu, Giám đốc NHCSXH tỉnh.
Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những đối tượng nào sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở?
Đồng chí Lê Hữu Báu: theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ về nhà ở phải có đủ ba điều kiện: Một là, hộ nghèo (theo chuẩn quy định tại Quyết định 170/2005/QĐ-TTg áp dụng cho giai đoạn 2006-2010) đang cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý. Hai là, hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ mà không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Ba là, hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác. Cần lưu ý, các đối tượng trên là hộ nghèo đang cư trú tại khu vực không phải là đô thị trên phạm vi cả nước. Cụ thể, ở tỉnh Ninh Bình đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở là các hộ nghèo ở tất cả các xã, trừ các phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã.
Cán bộ ngân hàng làm thủ tục cho họ nghèo vay vốn. Ảnh: PV.
P.V: Mức hỗ trợ đối với hộ nghèo từ ngân sách Nhà nước là bao nhiêu?
Đồng chí Lê Hữu Báu: Tính chung, mỗi hộ được cấp 6 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Riêng những hộ dân thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở nêu trên mà lại cư trú tại các vùng khó khăn trong danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg thì được cấp 7 triệu đồng/hộ. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách Trung ương và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ nghèo làm nhà ở.
P.V: Phương thức cho vay,mức vay, lãi suất và thời hạn vay vốn sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Hữu Báu: Hộ nghèo sau khi được nhận nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để làm nhà ở thì sẽ được NHCSXH cho vay theo phương thức ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, hoặc trực tiếp cho vay. Mức cho vay tối đa 8 triệu đồng/hộ với lãi suất 3%/năm. Thời hạn cho vay là 10 năm, kể từ thời điểm hộ dân nhận nợ món vay đầu tiên; thời gian ân hạn nợ là 5 năm đầu chưa phải trả nợ và lãi, người vay bắt đầu trả nợ tiền vay từ năm thứ 6 trở đi với mức trả nợ hàng năm bằng 20% số vốn đã vay.
P.V:Việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc nào?
Đồng chí Lê Hữu Báu: Nguyên tắc là cấp tiền trực tiếp đến hộ gia đình nghèo, bảo đảm công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán, với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ và hộ gia đình đóng góp thêm để xây được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên.
P.V: Vậy Quyết định 167 sẽ được thực hiện tại tỉnh Ninh Bình như thế nào?
Đồng chí Lê Hữu Báu: Thực hiện hướng dẫn của NHCSXH Trung ương tại Công văn số 234/NHCS-TD ngày 17-2-2009, NHCSXH tỉnh đã tập huấn quy trình cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở cho cán bộ nghiệp vụ tại Hội sở Chi nhánh, phòng giao dịch ở các huyện, thị xã và các cán bộ hội, đoàn thể. Hiện đang tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở cơ sở. UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện, thành phố, thị xã điều tra, lập danh sách các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nhà ở. Ngay sau khi nhận được danh sách hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, NHCSXH sẽ xây dựng phương án hỗ trợ trình NHCSXH Việt Nam xin cấp nguồn vốn bổ sung.
Về thủ tục, quy trình vay vốn, người vay có đủ điều kiện viết giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (theo mẫu của NHCSXH) gửi cho tổ TK&VV ở cơ sở. Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị - xã hội và Ban giảm nghèo cấp xã tổ chức họp bình xét và đối chiếu tên người đề nghị vay vốn với danh sách hộ nghèo thuộc diện vay vốn làm nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt, sau đó lập danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã và gửi đến NHCSXH làm thủ tục giải ngân theo quy định. NHCSXH thực hiện giải ngân trực tiếp cho người vay, bảo đảm nhanh chóng và đúng danh sách đã được phê duyệt.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí
Quốc Khang (Thực hiện)