Chúng tôi có dịp đến thăm xưởng chế tác đá phong thủy của anh Đỗ Văn Chinh, thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, một trong những hộ sản xuất đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp. Anh Chinh chia sẻ: Xưởng đá của gia đình được gây dựng từ năm 2012, sản xuất, kinh doanh khá tốt.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi các loại đá nguyên liệu dùng để chế tác ra các sản phẩm đá phong thủy có giá thành rất cao, thời gian làm ra một sản phẩm lại kéo dài trong khi đó khách hàng thường chỉ ứng trước một phần giá trị của sản phẩm. Nếu không có vốn thì không thể mở rộng được.
Cuối năm 2017 vừa rồi, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Với số tiền này, tôi đầu tư mua thêm đá nguyên liệu, máy xẻ, máy mài; tuyển thêm lao động phụ giúp, nâng công suất sản xuất từ vài sản phẩm/tháng lên hàng chục sản phẩm/tháng…
Hiện nay, mỗi tháng trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, xưởng sản xuất của anh Đỗ Văn Chinh cho lợi nhuận gần 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4,5-7 triệu đồng/tháng tùy vào tay nghề.
Có dịp đi tìm hiểu thực tế hiệu quả vốn vay của chương trình giải quyết việc làm ở các xã, phường như Trung Sơn, Yên Sơn, Quang Sơn…và một số đơn vị khác của thành phố Tam Điệp chúng tôi đều nhận thấy sự tin tưởng, phấn khởi của người dân khi nói về hiệu quả chương trình, bởi nhờ lãi suất vay ưu đãi, thời gian vay dài đã giúp cho các hộ có điều kiện thuận lợi trong đầu tư cho sản xuất, nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm mới cho nhiều lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trăn trở như nguồn vốn vay còn hạn chế.
Bên cạnh đó, mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuy đã được điều chỉnh, song vẫn còn thấp so với nhu cầu vốn đầu tư của các hộ, nhất là những hộ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng trang trại, sản xuất hàng hóa, công nghệ cao.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp Bùi Thị Phương Anh cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH thành phố đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và xã hội, các tổ chức, đoàn thể, các xã, phường chủ động trong công tác điều hành, quản lý nguồn vốn cho vay, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động…
Hàng năm, xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho các xã, phường, đồng thời quản lý, điều hành vốn chặt chẽ ngay từ cơ sở.
Đặc biệt là mạng lưới các tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ thường xuyên giám sát các thành viên vay vốn để đảm bảo họ sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, cán bộ Phòng giao dịch kiểm tra tình hình vốn cho vay, từ đó có phương án đẩy mạnh lập dự án, giải ngân cho vay vốn, hạn chế tình trạng ứ đọng vốn trong thời gian dài. Tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm.
Do vậy, doanh số cho vay giải quyết việc làm của đơn vị luôn tăng trưởng khá qua các năm. Nếu như năm 2003, khi mới tiếp nhận bàn giao từ Kho bạc nhà nước, nguồn ban đầu chỉ có gần 2,7 tỷ đồng thì đến hết tháng 12/2017, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố đã đạt trên 8 tỷ đồng với 280 hộ vay (tăng gần 3 lần so với thời điểm nhận bàn giao và tăng hơn 1 tỷ 300 triệu đồng so với năm 2016). Hầu hết các chủ dự án, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, đặc biệt không có nợ quá hạn.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp sẽ đẩy mạnh công tác cho vay vốn, thu hồi nợ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các dự án đang thực hiện, bảo đảm các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bài, ảnh: Hà Phương