Nghị quyết đã giúp người dân giảm một phần chi phí trong sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi chủ động hoạt động, phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Với đặc thù của Ninh Bình là hệ thống công trình thủy lợi, tưới, tiêu, cấp nước đa dạng gồm: động lực, trọng lực, trạm bơm, thủy triều qua cống, hồ chứa qua cống, cấp nước bằng biện pháp tổng hợp. Để có căn cứ xác định phạm vi thu TLP theo quy định của Nhà nước, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng dự thảo quy định vị trí cống đầu kênh của HTX dùng nước cho các hệ thống công trình từ sau cống đầu kênh cấp II.
Trên địa bàn tỉnh, địa hình đất đai khá phức tạp, đồng ruộng không bằng phẳng, có nhiều loại hình công trình phục vụ tưới, tiêu nước, diện tích đồng ruộng do Công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỉnh đảm nhiệm đan xen, trùng với diện tích của HTX nông nghiệp phục vụ nên việc xác định rõ ranh giới gặp nhiều khó khăn.
Đồng chí Lâm Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn xuống các địa bàn kiểm tra, rà soát lại diện tích tưới, tiêu. Đến nay công tác này đã hoàn tất và là căn cứ quan trọng để thực hiện miễn TLP ở các vụ, năm tiếp theo. Chi cục cũng đã tham mưu cho Sở báo cáo và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí miễn TLP năm 2008, với tổng diện tích đề nghị là 156.139 ha, kinh phí là 65.529 triệu đồng. Nhà nước đã cấp 52.406 triệu đồng.
Năm 2009, UBND tỉnh cũng đã có quyết định về việc phê duyệt kinh phí miễn TLP, diện tích đề nghị là 159.821 ha, với tổng kinh phí là 110.665,1 triệu đồng. Nhà nước đã cấp 66.736 triệu đồng.
Như vậy, người nông dân không còn phải lo khoản tiền đóng TLP nữa. Bà Trịnh Thị Huyên, xã viên HTX Đại Phú (Ninh Khang - Hoa Lư ) phấn khởi cho biết: Trước đây, bình quân mỗi sào trong năm phải đóng khoảng trên 40.000 đồng TLP, nhưng mấy vụ qua, không phải nộp nữa, gia đình sẽ có thêm điều kiện đầu tư cho giống, vốn, chăm sóc, kỹ thuật khác.
Ông Đinh Xuân Thành, Chủ nhiệm HTX Đại Phú cho biết: Bình quân 1 sào ruộng trong một năm chi phí hết khoảng trên 80.000 đồng (TLP, làm đất, bảo vệ đồng điền, BVTV…). Với việc miễn TLP người nông dân giảm đóng góp một nửa. HTX không phải thu rải rác, nhiều khi kéo dài do nhiều hộ khó khăn không có tiền nộp. Tuy nhiên, đến nay HTX mới nhận được khoản tiền này của năm 2008 và vụ mùa 2009.
Đối với Công ty KTCTTL thì việc miễn TLP cho người nông dân đã đem đến nhiều thuận lợi. Bởi lẽ, trước đây việc thu TLP là vấn đề nan giải, khó khăn và phức tạp nhất, nợ đọng TLP triền miên làm cho hoạt động của Công ty cũng bất ổn, lương của cán bộ, công nhân viên không kịp thời… Bây giờ kinh phí hoạt động được cấp trực tiếp cho Công ty nên có điều kiện phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, cán bộ, công nhân viên vui mừng, phấn khởi, yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trường Sinh