Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết: Để thực hiện tốt việc giải ngân vốn vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đơn vị đã phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tích cực rà soát các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để đáp ứng.
Cùng với đó là làm tốt tuyên truyền các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 và thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong năm 2022 và 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm tại ngân hàng.
Để đồng vốn ưu đãi nhanh chóng đến với đối tượng thụ hưởng, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã khẩn trương giải ngân ngay trong những tháng đầu năm 2022. Tính đến cuối tháng 11/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đã giải ngân được hơn 188 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng được vay vốn, đạt 99% kế hoạch tăng trưởng.
Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 120 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở 48,2 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 16 tỷ đồng; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 là 3,8 tỷ đồng với 47 cơ sở được vay vốn.
Nguồn vốn ưu đãi phần giải quyết "cơn khát vốn", giúp các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giảm bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Tiến, xã Yên Thành, huyện Yên Mô làm nghề lái xe chuyên chở vật liệu xây dựng cho biết: Trước dịch COVID-19, công việc và thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên hai năm nay do ảnh hưởng của dịch, anh gần như không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Khi được biết đến nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết 11, anh đã làm đơn và vay được 95 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế hộ. Với số được vay, anh Tiến bắt tay đào ao thả cá trên diện tích hơn 9 sào đất. Đến nay lứa cá đầu tiên sắp cho thu hoạch, dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới..
Anh Tiến cho cho biết: Tôi rất phấn khởi và cảm thấy may mắn vì là một trong những hộ đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Nhờ nguồn vốn này đã giúp tôi và gia đình có động lực, phấn đấu vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và nuôi ước mơ làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng khác. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt trên 3.200 tỷ đồng với hơn 100 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Có thể khẳng định, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình thế giới, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, tập trung huy động được nguồn lực lớn và chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, trở thành trụ cột trong chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Thời gian tới, trên cơ sở kết quả rà soát nhu cầu vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quan tâm, bổ sung thêm nguồn vốn cho vay chương trình; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục dành nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Hồng Giang