Chúng tôi có dịp cùng cán bộ Hội Nông dân tỉnh về xã Như Hòa, huyện Kim Sơn để trao tận tay đồng vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các hội viên nông dân nơi đây và cảm nhận rõ niềm vui, sự phấn khởi của bà con khi được tiếp thêm nguồn lực phát triển sản xuất. Anh Trần Văn Chính, hội viên Chi hội nông dân xóm 7, có trang trại chăn nuôi lợn an toàn trị giá hàng tỷ đồng cho biết: Những năm đầu khởi nghiệp với không ít khó khăn, nhưng nhờ sự trợ giúp của Hội Nông dân tỉnh trong việc hỗ trợ cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình anh đã vươn lên trở thành một trong những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện trang trại của gia đình anh đã mở rộng từ 70m2 lên hơn 1,3 ha, bao gồm hệ thống chuồng trại nuôi hàng nghìn con lợn/năm và hệ thống ao nuôi cá, vườn trồng cây ăn quả, rau màu….
Năm nay, gia đình anh tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh giải ngân cho vay vốn dự án chăn nuôi lợn nái siêu nạc. Mặc dù nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh không nhiều nhưng với sự tiếp sức, hỗ trợ, động viên kịp thời sẽ tạo điều kiện khích lệ các hội viên hội nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ và chăn nuôi theo hướng an toàn. Được biết anh Chính là một trong 5 hộ nằm trong dự án chăn nuôi lợn nái ngoại siêu nạc tại xã Như Hòa được Hội Nông dân tỉnh giải ngân từ nguồn vốn quay vòng của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tổng nguồn vốn giải ngân dự án là 200 triệu đồng thì mỗi hộ được vay từ 20 -50 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng, thời gian vay từ 24 - 36 tháng. Nguồn Quỹ này không chỉ giải quyết được một phần về vốn để hội viên nông dân tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất mà còn tập hợp các hội viên, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết trong sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản phẩm. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Theo đại diện Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, ngoài nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác và vốn ngân sách tỉnh chuyển sang, hàng năm, để xây dựng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức ký giao ước thi đua, trong đó có giao chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ năm 2018 cho các đơn vị huyện, thành Hội. Các huyện, thành Hội đã kịp thời giao chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn cho cơ sở và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, các tổ chức, cá nhân, các hộ đang thụ hưởng dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân ủng hộ xây dựng quỹ.
Hiện nay, tổng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt gần 27 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn Trung ương hội ủy thác 13,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương chuyển sang hơn 8 tỷ đồng, còn lại là vốn của các cấp Hội huyện và xã. Nguồn vốn trên đã được giải ngân theo hai hình thức: Nguồn Trung ương Hội ủy thác và nguồn của tỉnh Hội cho vay theo dự án nhóm hộ, nguồn vốn do Hội Nông dân huyện quản lý cho vay theo hộ.
Tính đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân 35 dự án cho 372 hộ vay của nguồn Trung ương Hội ủy thác; 28 dự án với trên 160 hộ vay vốn từ nguồn tỉnh Hội; trên 6 tỷ đồng cho hơn 950 hội viên vay từ nguồn vốn do Hội Nông dân huyện quản lý. Các hộ được vay vốn chủ yếu để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, trồng trọt, dịch vụ làng nghề, ngành nghề khác. Nhìn chung các dự án đã thực hiện đúng mục tiêu kế hoạch đề ra, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích. Sau khi vay vốn, các hộ còn được các cấp Hội chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng, giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, tạo việc làm và tăng thu nhập. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình được vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và phát huy hiệu quả, điển hình như: Mô hình nuôi lợn nái ngoại siêu nạc xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư); dự án chăn nuôi dê đã giúp hàng chục hộ dân ở xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan) thoát nghèo....
Đặc biệt, khi kết thúc chu kỳ vay vốn, các dự án đã nộp phí và vốn đúng hạn. Định kỳ hàng quý các tổ vay vốn dự án duy trì sinh hoạt tổ, nội dung phong phú, với sự tham gia của ban quản lý dự án và hộ vay để trao đổi và học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm … lấy lợi ích về kinh tế làm động lực để tập hợp đông đảo nông dân tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ Hội, góp phần xây dựng Hội vững mạnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong việc điều hành và quản lý, được các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi thực hiện các dự án đánh giá cao, uy tín của Hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên rõ rệt, tạo niềm tin cho giai cấp nông dân vươn lên thoát nghèo.
Giáng Hương