Đồng chí Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Năm 2004, Gia Tân bị thu hồi gần 100ha đất canh tác để làm Cụm công nghiệp Gián Khẩu và các công trình khác. Các thôn bị thu hồi gồm Thiệu Hóa và 3 xóm: Nam Hải, Trung Chính, Đông Thượng, với 987 hộ có đất bị thu hồi, trong đó số lao động có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 1.450 lao động (chiếm 53% số lao động trong xã). Số lao động này chưa chuyển đổi được việc làm, thiếu kinh nghiệm, không có vốn để sản xuất, do đó đời sống rất khó khăn.
Được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là sự quan tâm trực tiếp của Hội Nông dân tỉnh, đã chủ động nắm tình hình, rà soát các đối tượng hội viên nông dân nghèo, nhất là các đối tượng hội viên là lao động có diện tích thu hồi chưa chuyển đổi được công ăn việc làm, chưa được đào tạo nghề phù hợp. Mặt khác, Hội Nông dân xã đã lập dự án giúp hội viên được đào tạo nghề để phát triển nghề truyền thống đan cót và làm thêm nghề thêu ren. Sau khi đã kiểm tra thực tế địa phương, Hội Nông dân tỉnh giải ngân nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, triển khai thực hiện dự án hỗ trợ việc làm phát triển nghề đan cót, thêu ren ở xã Gia Tân.
Dự án có tổng số vốn hơn 900 triệu đồng, trong đó các hộ tự huy động vốn được gần 600 triệu đồng, còn lại là vốn vay từ quỹ giải quyết việc làm 120 là hơn 300 triệu đồng, đầu tư phát triển sản xuất cho 37 hộ, 900 lao động tham gia dự án. Song song với việc triển khai dự án, Hội Nông dân xã tích cực phối hợp với các phòng, ban tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và các nghị quyết của tỉnh về phát triển nghề truyền thống đan cót của xã. Bằng những hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, qua các phương tiện thông tin (đài 3 cấp) về ý nghĩa của việc phát triển không những mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giúp cho nông dân có cơ hội làm giàu...
Nghề thêu đang phát triển mạnh ở Gia Tân
Qua thời gian 2 năm, các hội viên được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả trong việc đào tạo và phát triển nghề nên việc sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận cao, xuất hiện nhiều cá nhân tiên tiến, tập thể điển hình, lao động sản xuất giỏi như hộ hội viên gia đình anh Nguyễn Văn Vũ, có 3 sào đất nông nghiệp bị thu hồi, được vay 20 triệu đồng để đầu tư phát triển thêu ren, đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 600.000 đồng/người/tháng, đời sống của gia đình được nâng lên.
Anh Đặng Văn Hùng, thôn Vân Thị, xã Gia Tân cho biết: Gia đình đã tham gia làm nghề truyền thống đan cót. Nhờ có những đồng vốn của Hội Nông dân cho vay (20 triệu đồng), gia đình anh có thể cung cấp nguyên liệu và tổ chức cho một số hộ dân trong xã sản xuất và thu mua lại sản phẩm, cung cấp cho các công trình xây dựng lớn trong và ngoài tỉnh. Riêng gia đình anh có 4 lao động, trong đó có 2 lao động chính, cho thu nhập hàng tháng trên 1 triệu đồng/người... Các hộ được vay vốn dự án đầu tư đào tạo nghề, phát triển kinh doanh nghề đều nhận thức tốt về tư tưởng, ủng hộ kế hoạch thu hồi đất phát triển khu công nghiệp của Nhà nước.
Không những được vay vốn mà các hộ còn được xã tổ chức các lớp học nghề để nâng cao chất lượng hàng hóa, bổ sung mẫu mã sản phẩm và phối hợp tìm thị trường tiêu thụ... Những tháng đầu do vừa sản xuất vừa học nghề, chưa chủ động nguyên vật liệu và kinh phí nên năng suất, chất lượng chưa cao, mẫu mã hàng còn đơn giản nên thu nhập còn thấp. Đến nay dưới sự chỉ đạo của Hội Nông dân xã, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã cùng với sự nỗ lực vươn lên của các hộ hưởng dự án.
Dự án đã phát huy được hiệu quả cao, đã thu hút được 900 lao động, trong đó có 600 lao động làm nghề đan cót với thu nhập trung bình là 400.000 - 600.000 đồng/người/tháng; thu hút 300 lao động làm nghề thêu ren có mức thu nhập trung bình từ 300 - 500 nghìn đồng/người/tháng.
Theo anh Nguyễn Trần Phú, Chủ tịch UBND xã thì khi nghề được phát triển đã tạo việc làm thường xuyên cho nông dân, nhất là thời gian giữa 2 vụ thu hoạch lúa. Người nông dân không phải đi làm xa, có điều kiện tốt để chăm lo cho gia đình, con cái và tham gia phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Bài, ảnh: Đức Lam