Nhìn cánh đồng rau xanh mướt ít ai biết rằng trước đây là vùng đất hoang, cằn cỗi. Ông Trịnh Văn Thành, Phó Giám đốc HTX Đồng Phong cho biết: Toàn bộ cánh đồng này rộng khoảng 5,5 ha đã bị người dân bỏ hoang lâu năm do không có nguồn nước tưới, cộng với chất đất sỏi pha cát không thuận lợi cho cây trồng. Sau khi được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại trong khâu tư vấn cách chọn giống, hướng dẫn cách chăm sóc, đến nay HTX Đồng Phong đã có 1,5ha bí xanh, bí đỏ, mướp đắng, mướp hương. Hiện nay các cây trồng lên tốt, cho quả sai và ít sâu bệnh.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại cho biết: Trung tâm đã hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Phong xây dựng hệ thống cọc bê tông, lưới che phủ và hệ thống tưới phun sương của Nhật Bản.
Việc trồng, chăm sóc được thực hiện theo đúng quy trình VietGAP với sự hướng dẫn, tư vấn, giám sát của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm.
Sau 2 tháng trồng, chăm sóc, hàng trăm gốc bí, mướp đã cho thu hoạch với năng suất, sản lượng đạt cao và được thị trường đón nhận bởi đây là sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Trịnh Văn Thành nhẩm tính: vòng đời sinh trưởng của cây mướp khoảng 2,5 tháng, trong đó 1 tháng thu hoạch. Theo ước tính ban đầu, cây mướp hương cho thu hoạch cả đợt khoảng 4 tấn với giá 3.000 đồng/kg, như vậy tổng thu nhập từ mướp hương khoảng 120 triệu đồng.
Thu hoạch từ mướp đắng trong cả vụ khoảng 3 tấn với giá thị trường 5.000 đồng/kg, ước tính thu nhập từ vụ mướp đắng khoảng 150 triệu đồng. Các loại quả bí xanh, bí đỏ cũng ước tính cho thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ.
Việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay được các tiểu thương trong huyện vào thu mua. Sản phẩm của HTX không đủ để cung ứng cho thị trường địa phương. Tuy nhiên theo ông Thành, hiệu quả lớn nhất khi thực hiện thí điểm mô hình này là hiệu ứng xã hội.
Một số hộ dân nhận thấy mô hình trồng rau xanh bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên bắt đầu cải tạo ruộng đất của gia đình để thực hiện trồng rau an toàn.
Hiện nay, Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại đang hỗ trợ HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Phong hoàn thiện hồ sơ chứng nhận vùng đủ điều kiện an toàn cho vùng sản xuất rau, củ quả và xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm này, từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại trong tỉnh.
Có thể thấy, mô hình sản xuất rau, củ quả an toàn theo hướng VietGAP của xã Đồng Phong đã và đang là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tới đây, với sự hỗ trợ của ngành chức năng và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn được nhân rộng và phát triển, tạo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cung ứng cho thị trường.
Nguyễn Thơm