Theo ông Nguyễn Thừa Vũ, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Ninh Bình (Agribank Ninh Bình), trong những năm qua, Agribank Ninh Bình và Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều hoạt động phối hợp trong việc chuyển tải vốn tín dụng đến các hộ gia đình và cá nhân hội viên nông dân.
Với trên 70% tổng dư nợ cho vay thuộc đối tượng nông nghiệp, nông thôn, chiếm tỷ trọng 50% nguồn vốn tín dụng của cả hệ thống ngân hàng thương mại cung ứng cho lĩnh vực này, Agribank Ninh Bình luôn đóng vai trò chủ lực thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời thực hiện thỏa thuận liên ngành ký giữa Agribank Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ngày 23/2/2017, Agribank Ninh Bình và Hội Nông dân tỉnh tiến hành ký kết thỏa thuận liên ngành số 03/TTLN-HND-NHNoNB.
Theo đó, Agribank Ninh Bình và Hội Nông dân các cấp thực hiện cho vay qua Tổ vay vốn đạt kết quả tốt, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và cá nhân tiếp cận vốn một cách thuận lợi và có hiệu quả, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa.
Một cán bộ tín dụng của Agribank Hoa Lư chia sẻ: Nếu như trước đây, một cán bộ ngân hàng có khi phải quản lý việc vay vốn của cả 800 hộ dân thì nay họ chỉ quản lý vài chục người là các Tổ trưởng Tổ vay vốn. Việc liên kết này không chỉ giảm tải công việc cho cán bộ, mà còn giúp Ngân hàng quản lý tốt nguồn vốn, giảm tỷ lệ nợ xấu. Bình thường, khi cho các hộ dân nào có nhu cầu vay vốn, chúng tôi phải đến trực tiếp rà soát, thẩm định xem mục đích vay vốn, có đủ điều kiện vay vốn hay không.
Về việc này, nay Ngân hàng đã có thêm một người thẩm định cùng là hội nông dân, từ đó đã hạn chế thấp nhất những rủi ro với nguồn vốn cho vay. Việc cho vay thông qua các tổ hội giúp Ngân hàng chuyển tải vốn nhanh, tiết kiệm chi phí, hạn chế tình trạng quá tải đối với cán bộ tín dụng.
Thông qua mô hình Tổ vay vốn nêu trên đã giúp hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh thoát nghèo và làm giàu. Đến nay, hệ thống Tổ vay vốn của Agribank được triển khai tại 12 chi nhánh loại II với 564 tổ đang hoạt động và trên 10.796 thành viên tham gia, tổng dư nợ Tổ vay vốn quản lý 1.307 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 0,05%. Bình quân mỗi tổ có 25 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi tổ quản lý là 2 tỷ 320 triệu đồng; mỗi hộ dư nợ bình quân 130 triệu đồng.
Từ thực tế hoạt động, mô hình Tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng tín dụng "đen" ở nông thôn.
Bà Đinh Thị Thư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoa Lư cho biết: Cho vay thông qua Tổ vay vốn đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ gia đình, vì đây là kênh dẫn vốn giúp người vay, hội viên Hội nông dân tiếp cận nguồn vốn một cách có hiệu quả; chất lượng tín dụng cho vay qua Tổ vay vốn ngoài sự giám sát của cán bộ tín dụng, vốn vay còn được Tổ trưởng Tổ vay vốn, lãnh đạo Hội nông dân các cấp theo dõi, đôn đốc và phản ánh kịp thời nên nguồn vốn vay được nông hộ sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp.
Việc cho vay vốn qua Tổ vay vốn giúp cho người dân tiết kiệm được thời gian, không phải đi lại nhiều, đồng thời giúp ngân hàng chuyển tải vốn nhanh, tiết kiệm chi phí. Thông qua các tổ vay vốn, các hội viên nông dân có điều kiện chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng cường tính đoàn kết trong cộng đồng. Hội viên nào có nhu cầu vay vốn chỉ cần thông báo với tổ trưởng, sau đó, cán bộ ngân hàng cùng tổ trưởng sẽ trực tiếp xuống làm các thủ tục liên quan để vay vốn; hoặc trả lãi, gốc cũng chỉ cần đến UBND xã chứ không phải đến ngân hàng như trước đây.
Tổ vay vốn cũng khắc phục những hạn chế, tình trạng quá tải của cán bộ ngân hàng, vừa mở rộng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân, một trong những giải pháp được Agribank đưa ra đó là: Tích cực triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, kết hợp với Hội Nông dân để giảm chi phí cho vay, giảm quá tải trong tín dụng hộ sản xuất khu vực nông thôn.
Bên cạnh hiệu quả tích cực thì việc triển khai cho vay qua tổ, nhóm tổ vẫn còn những hạn chế như: Công tác tuyên truyền các chính sách về tín dụng chưa được thường xuyên, dẫn đến một số hội viên chưa hiểu về các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn, vì vậy tiếp cận nguồn vốn của Agribank còn hạn chế.
Công tác phối hợp giữa Agribank Chi nhánh huyện và các cấp Hội Nông dân chưa đồng bộ, sâu sát và cụ thể trong chỉ đạo triển khai nên vẫn còn một số xã hiện nay chưa có Tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý.
Để đẩy mạnh phương thức cho vay qua Tổ vay vốn nhằm giảm tải cho cán bộ tín dụng, thời gian tới Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, củng cố việc tổ chức cho vay qua Tổ vay vốn, tăng cường mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời tập huấn cho các tổ trưởng tổ vay vốn những vấn đề thay đổi liên quan.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm