Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng còn bộc lộ một số tồn tại cần phải nghiên cứu để hoàn thiện. Vì vậy, vụ mùa năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện Đề tài "Xác định mật độ hợp lý trong phương pháp gieo thẳng lúa trên chân đất vàn". Những kết quả của đề tài có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Gieo thẳng là một phương thức sản xuất đã được áp dụng trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay. Hiệu quả của phương pháp này được khẳng định chính bằng sức lan tỏa của nó, từ mô hình thử nghiệm chỉ vài ha năm 2009, đến năm 2014, diện tích áp dụng phương pháp gieo thẳng đã đạt con số 11 nghìn ha/năm. Và trong vụ mùa năm 2015 này, diện tích gieo thẳng toàn tỉnh đạt trên 9.200 ha, trong đó các huyện có diện tích gieo thẳng lớn là Yên Khánh 3.200 ha, Nho Quan 2.500 ha, Yên Mô 1.890 ha… Mặc dù đem lại rất nhiều lợi ích cho nông dân như: giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sinh trưởng, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn lúa cấy từ 8-10%.
Tuy nhiên, qua thực tiễn sản xuất cho thấy nhiều nơi người dân áp dụng gieo thẳng lúa còn chưa đúng kỹ thuật như: làm đất, tưới tiêu, phương pháp gieo, phun thuốc trừ cỏ, chăm sóc, bón phân… dẫn đến tỷ lệ mọc thấp, không đồng đều, cỏ nhiều, tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của lúa sau khi gieo và phát sinh thêm công lao động.
Bên cạnh đó, việc chưa xác định được mật độ chính xác trong gieo thẳng cũng ảnh hưởng rất lớn tới năng suất cũng như hiệu quả kinh tế của phương pháp. Bởi vì nếu gieo mật độ dày thì tốn giống, cây lúa đẻ kém, dễ đổ ngã, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và gây hại nặng.
Nếu gieo với mật độ thưa thì không đảm bảo được số bông/m2, mặt khác gặp điều kiện bất thuận đầu vụ như rét đậm, rét hại ở vụ xuân hay nắng nóng, ngập úng ở đầu vụ mùa làm lúa chết dẫn đến mật độ không đảm bảo, làm giảm năng suất.
Với những lý do trên, được sự đồng ý của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ mùa năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện nghiên cứu đề tài: "Xác định mật độ hợp lý trong phương pháp gieo thẳng lúa trên chân đất vàn tại HTX Ninh Thắng, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư" với mục tiêu: Theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, tính chống chịu với điều kiện thời tiết và sâu bệnh, năng suất, các yếu tố cấu thành năng suất và hiệu quả kinh tế của các công thức gieo thẳng. Từ đó làm cơ sở để đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và khuyến cáo cho người nông dân áp dụng.
Ông Bùi Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: với 3 công thức thí nghiệm, công thức 1 gieo với mật độ 1,2 kg giống/sào (158 hạt/m2); công thức 2: 1,5 kg giống/sào (198 hạt/m2); công thức 3: 2 kg giống/sào (264 hạt/m2).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại chân đất vàn của xã Ninh Thắng, công thức gieo mật độ 1,5kg/sào là mật độ hợp lý nhất, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi khuyến cáo cho bà con nông dân áp dụng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Bà Lê Thị Nhâm, thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng, một trong 14 hộ nông dân tham gia thực hiện đề tài phấn khởi cho biết: Kết quả thực hiện đề tài đã đưa ra con số mật độ tốt nhất trong gieo thẳng để bà con nông dân nhiều nơi khác cùng áp dụng, giảm chi phí sản xuất.
Tham gia thực hiện đề tài, chúng tôi còn được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo về các kỹ thuật làm đất, ngâm ủ mạ, bón phân… Tôi chắc chắn rằng từ vụ này trở đi mọi công đoạn sản xuất sẽ được làm chuẩn chỉ hơn và năng suất sẽ cao hơn".
Ông Nguyễn Văn Nên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: "Tiềm năng năng suất giống hiện nay rất khó để có thể tăng nữa.
Do vậy, xu hướng của ngành nông nghiệp là tìm cách giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng để nâng cao giá thành, tăng thu nhập của bà con lên. Đề tài nghiên cứu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giảm 0,5 kg giống/sào, tăng năng suất lên 5-10 kg/sào là con số tưởng nhỏ nhưng nếu nhân lên với hàng nghìn ha, hiệu quả sẽ rất lớn".
Bài, ảnh: Hà Phương