Đặc biệt, những năm gần đây, việc đẩy mạnh sản xuất vụ đông, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính đã tạo nên diện mạo mới cho những cho những cánh đồng, mở ra hướng làm giàu cho người dân Yên Khánh ngay trên đồng đất quê hương mình. Diện tích cây vụ đông toàn huyện đã tăng từ 2.750 ha (năm 1995) lên 4.650 ha (năm 2008).
Những năm trước đây, cây vụ đông ở Yên Khánh chủ yếu chỉ phát triển trên đất màu, với một số loại cây truyền thống như ngô, khoai lang, rau các loại. Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng của đất, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác luôn là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để giải bài toán làm giàu ngay trên đồng đất quê hương, tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2005-2010, các đại biểu đã tập trung thảo luận tìm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó mở rộng diện tích và đẩy mạnh sản xuất vụ đông được coi là một trong những giải pháp trọng tâm. Cuối năm 2005, huyện cử 2 đoàn cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm vụ đông ở 2 tỉnh Hà Tây, Hưng Yên.
Trực tiếp nghe và "mục sở thị" những cánh đồng bí xanh, đậu tương đông trên đất 2 lúa, đội ngũ cán bộ huyện, các xã, HTX đã nung nấu quyết tâm mở rộng trồng cây vụ đông xuống đất 2 lúa. Từ kinh nghiệm "nằm vùng" học hỏi ở Hà Tây, Hưng Yên, các kỹ sư nông nghiệp huyện đã hướng dẫn bà con nông dân thí điểm trồng bí xanh, đậu tương đông trên một số cánh đồng. Thành công bước đầu đã mở ra hướng đi mới cho đồng ruộng Yên Khánh. Tháng 12-2005, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 01 về đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2006-2007. Sau đó, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh sản xuất vụ đông đến năm 2010 ra đời thực sự là động lực giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, đến nay, Yên Khánh đã trải qua 3 vụ đông thắng lợi, trở thành đơn vị dẫn đầu về sản xuất vụ đông của tỉnh. Là người luôn sát cánh cùng bà con nông dân những lúc thuận lợi cũng như khó khăn, kỹ sư nông nghiệp Trần Ngọc Diệp, Phó trưởng Phòng nông nghiệp và PTNT huyện say sưa kể cho chúng tôi nghe về những bước "thăng trầm" của cây đậu tương đông trên đất hai lúa. Từ buổi đầu trồng thử nghiệm, rồi những ngày đậu tương gieo lên xanh lại bị mưa bão. Tuy có lúc gặp khó khăn do thời tiết không thuận, song đến nay, đậu tương đã "đứng vững" trên đồng ruộng Yên Khánh, là cây có diện tích gieo trồng lớn nhất vụ đông:
Vụ đông năm 2006-2007, toàn huyện gieo trồng 1.170 ha đậu tương trên đất 2 lúa, năng suất 14 tạ/ha, giá trị 8,4 triệu đồng/ha; năm 2007-2008 mở rộng diện tích lên 2.313,6 ha, năng suất 8,2 tạ/ha, giá trị 9,84 triệu đồng/ha; năm 2008-2009 mặc dù thiệt hại do mưa úng nhưng diện tích vẫn đạt 1.373,2 ha, năng suất đạt 8,1 tạ/ha, giá trị 10,5 triệu đồng/ha. Qua 3 vụ đông, cây đậu tương được khẳng định là cây trồng có hiệu quả kinh tế, dễ làm, dễ mở rộng diện tích, đặc biệt là trên đất 2 lúa, chi phí sản xuất ít, dễ tiêu thụ sản phẩm, tận dụng được rơm rạ ở vụ mùa, tăng độ phì của đất.
Cùng với cây đậu tương, Yên Khánh đã mạnh dạn đưa cây bí xanh và các cây trồng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt như ngô bao tử, ngô ngọt, ớt, dưa chuột, cà chua, khoai tây. Đây là những cây trồng đạt giá trị kinh tế cao, vụ đông năm 2008-2009, khoai tây xuất khẩu đạt giá trị 67,2 triệu đồng/ha; dưa chuột 53,5 triệu đồng/ha; ngô ngọt 30 triệu đồng/ha; bí xanh đạt 56,3 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, qua phát triển sản xuất vụ đông đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cung cấp nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, đồng thời đã xây dựng được các mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo động lực "kích cầu" để nông dân yên tâm sản xuất; nhà khoa học, khuyến nông, các kỹ sư nông nghiệp là những người chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cho nông dân đưa cây trồng mới vào đồng ruộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao; nhà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đưa một số nông sản của nông dân như ớt, ngô ngọt, khoai tây, dưa chuột ra thị trường thế giới; nhà nông chính là những người đang bám đồng ruộng, xây dựng nhiều cánh đồng đạt giá trị kinh tế cao.
Và đất đã không phụ công người, tổng giá trị sản phẩm vụ đông của huyện những năm gần đây tăng cao: Năm 2006-2007 đạt 65.696 triệu đồng; năm 2007-2008 đạt 84.951 triệu đồng; năm 2008-2009 tuy gặp mưa úng nhưng vẫn đạt 77.953 triệu đồng. Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, các loại cây trồng trên đều có hiệu quả kinh tế và có thể mở rộng diện tích ở những năm tiếp theo trên đất 2 lúa, nhất là cây đậu tương, bí xanh, khoai tây, ngô ngọt.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện về "bí quyết" để vụ đông đạt kết quả cao, chúng tôi được biết, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy ra đời rất hợp lòng dân, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy vụ đông ở Yên Khánh phát triển, giành thắng lợi cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Cùng với chính sách của tỉnh, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 01, 05 về đẩy mạnh sản xuất vụ đông, có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cây vụ đông, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra. UBND huyện đã chủ động, tập trung chỉ đạo cụ thể, sâu sát kế hoạch sản xuất vụ đông đến tận cơ sở, các hộ nông dân. Với sự năng động, sáng tạo và nỗ lực không ngừng, nhiều sản phẩm vụ đông của nông dân Yên Khánh đã trở thành hàng hóa, vươn ra thị trường quốc tế, sản xuất vụ đông đã góp phần tăng giá trị sản xuất toàn huyện từ 243,6 tỷ đồng thời điểm tái lập huyện lên 849,7 tỷ đồng năm 2008. Cũng từ phát triển sản xuất vụ đông, Yên Khánh đã phá được thế độc canh cây lúa, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha canh tác từ 18 triệu đồng năm 1995 lên 70 triệu đồng/ha năm 2008.
Minh Châu - Thế Minh