Sau hơn một năm triển khai đến nay, công tác dồn điền, đổi thửa ở Khánh Nhạc đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, bình quân các xóm có từ 5-13 xứ đồng nhỏ lẻ nay giảm xuống còn 3-5 xứ đồng, mỗi hộ từ 3,88 thửa, giảm xuống còn 1,3 thửa. Việc dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch, chỉnh trang, sắp xếp lại đồng ruộng đã tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng tiến độ khoa học kỹ thuật mới, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác.
Đồng chí Mai Xuân Hàn, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã Khánh Nhạc cho biết: Trước đây, các khu đồng của xã được hình thành cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, thâm canh. Việc giao đất theo Quyết định 313 năm 1993 và việc dồn điền, đổi thửa năm 2003 đến nay không còn phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do diện tích chiều ngang các dây ruộng ngắn, không còn phù hợp khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên hiệu quả thấp, bờ vùng, bờ thửa quá manh mún, nhỏ lẻ có nhiều góc cạnh, diện tích canh tác của các đội sản xuất xen kẽ lẫn nhau trong cùng một xứ đồng, rất khó trong công tác quản lý và điều hành sản xuất nông nghiệp. Trước khi dồn điền, đổi thửa, toàn xã có 2.713 hộ giao đất năm 1993 với tổng số thửa của các hộ được giao ruộng là 9.335 thửa, bình quân mỗi hộ sử dụng 3,88 thửa. Lực lượng lao động trong độ tuổi sản xuất nông nghiệp ngày càng ít, do đó việc áp dụng các biện pháp thâm canh đồng bộ, đưa máy móc vào thay thế sức lao động của nông dân, nhằm giảm chi phí đầu vào là rất cần thiết. Do vậy, việc quy hoạch dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang, sắp xếp đồng ruộng là hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong tình hình hiện nay nhằm xóa bỏ ruộng đất manh mún, tạo thành ô thửa lớn, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo quỹ đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi. Xã phấn đấu giảm số thửa của mỗi hộ xuống còn từ 1- 1,4 thửa/hộ. Để đạt được mục tiêu đề ra, Khánh Nhạc đã thành lập Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa xã và các xóm, đồng thời tổ chức khảo sát thực địa, xây dựng phương án và hướng dẫn 2 xóm 4A và 4B của HTX Hợp Tiến làm điểm để rút kinh nghiệm triển khai đồng bộ trên toàn xã. Chỉ trong một thời gian ngắn, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân 2 xóm đã đồng tình nhất trí với chủ trương của xã. Từ việc mỗi hộ có nhiều thửa ruộng, sau khi dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1- 2 thửa. Sau khi dồn điền, đổi thửa, 2 xóm làm điểm đã bắt tay vào sản xuất vụ mùa, nhân dân rất phấn khởi đầu tư thâm canh, sản xuất.
Đến tháng 6-2012, Khánh Nhạc đã tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm ở 2 xóm làm điểm, để trên cơ sở đó khảo sát thực địa, xây dựng hoàn thiện phương án chung của toàn xã theo hướng đồng bộ hơn. Tổ chức lấy ý kiến cán bộ và nhân dân các xóm về phương án với tổng diện tích thực hiện là 633,4 ha. Tháng 9-2012, Khánh Nhạc triển khai trong toàn đảng bộ, các đoàn thể và cán bộ, nhân dân các xóm đã thảo luận thống nhất cao với phương án của xã là sắp xếp lại đồng ruộng, xóa bỏ manh mún ruộng đất. Xã vận động các hộ có diện tích dưới 7 sào thì giao vào một thửa; những hộ có diện tích từ 7 sào trở lên thì giao 2 thửa; khuyến khích các hộ là anh em trong gia đình nhận cùng một thửa. Nhân dân các xóm tự nguyện hiến 8 m2/sào ruộng và đóng góp 250.000 đồng/sào để làm đường giao thông và kênh mương. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng của 2 HTX cũng được tiến hành quy hoạch lại theo hướng: Cứ 2 dây ruộng cũ dồn vào một dây mới và cứ 2 dây ruộng mới có một kênh dẫn nước ở giữa, chiều rộng 1,5 m và một đường bờ thửa, mặt đường rộng 2,5 m. Như vậy, sau khi dồn điền, đổi thửa, gia đình nào cũng có một đầu là kênh tưới tiêu và một đầu là đường bờ thuận tiện cho sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và đưa cơ giới vào đồng ruộng. Trong đợt này, toàn xã làm mới 131 bờ thửa, 137 tuyến kênh dẫn nước với tổng khối lượng đào đắp đường và kênh là 76.900m3 đất. Đầu tháng 12-2012, các xóm đã thống nhất kế hoạch phương thức đo và giao lại ruộng cho xã viên và tổ chức bốc thăm xác định vị trí của mỗi hộ mới. Đến trung tuần tháng 1 năm 2013, tất cả các xóm đã hoàn thành việc đo và giao lại ruộng cho các hộ nông dân ngoài thực địa và bắt tay vào gieo cấy vụ đông xuân. Hiện tại, các HTX, các xóm đang rà soát hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ địa chính sau khi dồn điền, đổi thửa để báo cáo huyện. Tổng kinh phí phục vụ dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng năm 2012 của xã ước tính gần 5 tỷ đồng.
Qua công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, Khánh Nhạc đã rút ra những bài học kinh nghiệm là: Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa xã. Trong quá trình chỉ đạo triển khai từ xã đến các thôn, xóm phải đoàn kết thống nhất, đồng thuận, sâu sát, trách nhiệm đối với công việc; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Đảm bảo nghiêm túc quy trình, phát huy tính dân chủ, minh bạch, công khai và linh hoạt, sáng tạo trong công tác dân vận để huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.
Sau khi dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch, chỉnh trang sắp xếp lại đồng ruộng, Khánh Nhạc đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, tạo thành những ô thửa lớn, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn cấy đồng trà, đồng giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ đó giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, làm tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thanh Chiên