Đến thăm Công ty cổ phần Gạch ngói Gia Thanh, một trong hai doanh nghiệp có số lượng lao động lớn tại địa bàn xã, không khí thi đua lao động, sản xuất tại các phân xưởng diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Hiện tại hai nhà máy của Công ty (cơ sở 2 ở xã Liên Sơn) đang có gần 400 lao động làm việc, trong đó có hơn 90% lao động là người địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty còn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động nên nhiều lao động gắn bó với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp như "ngôi nhà thứ hai".
Hỏi chuyện chị Bùi Thị Chăm, công nhân Phân xưởng sấy khô gạch mộc, người xã Gia Thanh, chị cho biết: "Cách đây 5 năm, khi chưa vào làm việc tại Công ty, tôi chỉ làm nông nghiệp, mức thu nhập eo hẹp, không thể đảm bảo nuôi dạy con cái, chăm lo cho gia đình.
Từ khi được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty, tôi cùng nhiều lao động được Công ty đào tạo nghề, tạo việc làm, có thu nhập ổn định, được chăm lo đầy đủ mọi chế độ, chính sách nên tôi cũng như nhiều lao động khác rất yên tâm làm việc tại đây".
Đi thăm các phân xưởng sản xuất của nhà máy, chúng tôi nhận thấy môi trường làm việc của người lao động được quan tâm cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, đối với người lao động làm việc ở các công đoạn nặng nhọc, nóng, bụi như ở tổ ra lò, tổ đốt, Công ty đã trích tiền phần trăm độc hại, đầu tư quạt mát, làm lán chống nắng.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người lao động thi đua tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, Công ty còn áp dụng chính sách thưởng năng suất hàng tháng và hàng quý, thưởng cho công nhân có những cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đến hết quý I-2015, Công ty đã sản xuất được hơn 15 triệu viên gạch các loại cung ứng ra thị trường, thu nhập bình quân của người lao động hiện nay đạt 4,5 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với đồng chí Bùi Đức Phong, Bí thư Đảng ủy xã về chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi được biết: Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, cơ cấu kinh tế ở Gia Thanh có sự chuyển dịch tích cực: lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng từ 60% lên 66%, nông-lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 25% xuống còn 17%, thương mại, dịch vụ tăng từ 15% lên 17%...
Đây là kết quả phản ánh đúng tình hình thực tiễn ở địa phương, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương vùng nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Với thuận lợi trong phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 5 năm qua, lĩnh vực sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng trên địa bàn được chuyển hướng tập trung vào sản xuất, giảm dần sự phụ thuộc vào hoạt động khai thác nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Xã đã tạo điều kiện về mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh trật tự để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện trên địa bàn xã có 18 doanh nghiệp hoạt động, thu hút hơn 1.000 lao động địa phương và các vùng lân cận.
Trong đó, hai doanh nghiệp thu hút đông lao động là Doanh nghiệp Thành Thắng và Công ty cổ phần Gạch ngói Gia Thanh, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã chiếm tỷ trọng 66% trong cơ cấu kinh tế của xã, tăng so với năm 2010 là 6%.
Trong đó khai thác và chế biến đá các loại bình quân mỗi năm đạt 900.000m3, sản xuất gạch đất nung đạt trung bình 27 triệu viên/năm.
Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: mộc, nề, cơ khí, sửa chữa nhỏ có bước phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Phát huy lợi thế địa bàn nằm ven Quốc lộ 1A nên hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển toàn diện. Trên địa bàn xã hiện có 20 ô tô làm dịch vụ vận tải hàng hóa và chở khách, 66 hộ làm nghề cơ khí nhỏ và sửa chữa ô tô, 44 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, 279 hộ buôn bán tại chợ Đò.
Từ hoạt động thương mại, dịch vụ đã tạo việc làm cho gần 500 lao động, giá trị thương mại, dịch vụ bình quân hàng năm đạt 20,5 tỷ đồng, chiếm 17% cơ cấu kinh tế, tăng 2% so với năm 2010…
Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Gia Thanh đã giúp cho nhiều hộ nghèo thoát nghèo, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. 5 năm qua, xã có 579 hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,8% năm 2010 xuống còn 2,14% năm 2014.
Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn là tiền đề để xã có thêm các nguồn lực từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong 5 năm qua, xã đã bê tông hóa được 4,2 km đường liên thôn, xây dựng mới 1,5 km kênh mương, 10,3 km đường bê tông thôn, xóm.
Đến nay, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015.
Hồng Vân