Công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp, các ngành liên quan đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến các cam kết của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định thương mại Việt Nam - Cu Ba đến các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân dưới nhiều hình thức như: tổ chức học tập, quán triệt trong các hội nghị, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các tạp chí chuyên đề, tài liệu sinh hoạt nội bộ...
Tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị phổ biến về Hiệp định EVFTA cho hơn 400 đại biểu là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh và cán bộ quản lý nhà nước thuộc các sở, ban, ngành, Hiệp hội; tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, 14 lớp tập huấn, triển khai các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động và các cam kết về lao động tại các FTA mà Việt Nam đã ký kết cho hơn 1.300 người thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều hoạt động nổi bật. Tháng 10 năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã khai trương Trung tâm Phục vụ Hành chính Công tỉnh Ninh Bình. Trung tâm là đầu mối để giải quyết trên 1.300 thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân thuộc trách nhiệm của các sở, ban, ngành. Với 4 tại chỗ gồm: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả; việc vận hành Trung tâm bảo đảm cho người dân không còn phải đi lại giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở nhiều cơ quan, sở, ngành; giảm tối thiểu số lần phải đến Trung tâm; tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực vận động, thu hút và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Trong năm 2020, Ninh Bình đã thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 55,65 triệu USD, thực hiện công tác quản lý và theo dõi triển khai đối với 4 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 45,614 triệu USD.
Các dự án cơ bản đều đảm bảo thực hiện theo đúng mục tiêu, tiến độ, nội dung kế hoạch được phê duyệt, tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước và yêu cầu của nhà tài trợ. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 84.914 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 105% kế hoạch năm.
Hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, xuất nhập khẩu tiếp tục có bước chuyển biến tích cực. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ 1 doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế tại Cộng hòa Liên bang Đức, hỗ trợ 2 doanh nghiệp xây dựng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin thị trường, quảng bá, giới thiệu mặt hàng tiềm năng của tỉnh, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 ước đạt 2.380 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt 8,2% kế hoạch năm.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh đã có nhiều chính sách tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.
Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế… Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến lượng khách du lịch và doanh thu du lịch giảm mạnh. Tuy nhiên năm 2020, du lịch Ninh Bình cũng ước đón trên 2,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 1.600 tỷ đồng. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên ngành về phối hợp đảm bảo an toàn, văn minh các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…
Năm 2021 chương trình hội nhập kinh tế quốc tế được tỉnh xác định tập trung vào các nội dung then chốt, trong đó có việc tích cực triển khai chương trình kích cầu du lịch, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế…nhằm góp phần tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2021 tại Ninh Bình, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: Bùi Diệu