Giúp dân làm giàu trên vùng đất khó Là huyện miền núi, địa bàn rộng, địa hình phức tạp gồm cả vùng núi cao, vùng bán sơn địa và vùng đồng chiêm trũng, lại thường xuyên phải chịu hậu quả của thiên tai, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Nho Quan còn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, việc phát triển kinh tế gắn liền với nâng cao đời sống của người dân là một trong những mục tiêu quan trọng không chỉ của huyện mà của cả tỉnh.
Hiện thực hóa nhiệm vụ này, nhiều năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Nho Quan đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ gia đình vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, mở ra cơ hội mới để người dân làm kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đến thăm gia đình ông Trần Đình Lương, dân tộc Mường ở xóm 4, xã Phú Long, huyện Nho Quan, chúng tôi được biết: Trước đây, cuộc sống gia đình ông Lương gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai sản xuất nhiều nhưng lại không có vốn để đầu tư làm ăn lớn, chỉ quanh quẩn với ít ngô, sắn thu nhập chả đáng là bao.
Mấy năm trước, gia đình ông được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nuôi đôi bò sinh sản, đồng thời tiếp tục cải tạo đất để trồng mía, ngô và các cây rau màu khác. Hiện giờ, gia đình ông đã sở hữu một đàn bò với hơn 10 con, 1 ha mía và gần 1 ha cỏ… bình quân thu nhập mỗi năm của gia đình trên 100 triệu đồng.
Cùng thôn với ông Lương, gia đình anh Trần Đình Lai cũng thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi. Anh Lương tâm sự: Gia đình tôi chỉ có nghề làm nông nghiệp, 2 cháu lại đang tuổi ăn tuổi học nên nếu chỉ trông chờ vào mấy cây ngô, cây mía thì khó khăn lắm.
May nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cùng với nguồn vốn dành dụm của gia đình, vợ chồng tôi mua được hai đôi bò. Chăm sóc chu đáo, lại có nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có làm thức ăn nên mỗi năm chúng sinh cho 2 con bê, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Quang, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nho Quan cho biết: Nho Quan là một huyện miền núi, kinh tế khó khăn, toàn huyện có 25/27 xã, thị trấn được thụ hưởng nguồn vốn của chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.
Ngay từ khi mới triển khai chương trình, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng.
Đến cuối năm 2015, tổng dư nợ của chương trình này là trên 86 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra. Dù đồng vốn còn hạn chế, song đã giúp hàng nghìn hộ gia đình, đồng bào dân tộc vùng khó khăn trong huyện có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Theo NHCSXH tỉnh, hiện nay Ninh Bình đang triển khai chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn ở 32 xã thuộc 3 huyện là Kim Sơn, Yên Mô, Nho Quan với dư nợ đến thời điểm này là trên 150 tỷ đồng.
Thời gian qua, chương trình tín dụng này đã khơi dậy được tiềm năng về phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập đáng kể, nâng cao cuộc sống cho bà con ngay chính mảnh đất quê hương, góp phần kéo giảm chênh lệch tăng trưởng giữa các vùng trong tỉnh.
Thêm nhiều cơ hội giảm nghèo
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 306/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Quyết định này điều chỉnh một số nội dung quan trọng tại Điều 7 và Điều 10 Quyết định 31/2007/QĐ-TTg về "Mức vốn cho vay" và "Bảo đảm tiền vay".
Cụ thể, mức vốn cho vay tối đa đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh là 50 triệu đồng (tăng thêm 20 triệu đồng); trong một số trường hợp cụ thể mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng nhưng không quá 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 4, Phú Long, huyện Nho Quan cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý có nhiều hộ được vay vốn chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và sử dụng vốn vay khá hiệu quả.
Nhờ vốn vay mà bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, mức cho vay thời gian qua đối với các hộ gia đình tối đa chỉ là 30 triệu đồng là chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của bà con.
Theo ông Tráng, ở miền núi, diện tích đất canh tác khá lớn, có điều kiện để mở rộng sản xuất nếu chỉ quy định tối đa 30 triệu đồng/hộ thì người dân không đủ tiền để xoay xở, nhất là với những hộ gia đình muốn vay để phát triển chăn nuôi vì mua một con bò giờ cũng mất 20-30 triệu đồng.
Do đó, việc Chính phủ quyết định nâng mức cho vay vào thời điểm này sẽ tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, cải thiện đời sống, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn.
Được biết, với mức cho vay được nâng lên, hiện, NHCSXH Ninh Bình đang tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các địa phương, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã phối hợp với các hội đoàn thể cơ sở rà soát, nắm bắt lại nhu cầu vay vốn của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng để ngân hàng lập kế hoạch vốn trình NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn cho vay.
Đồng thời, trong thời gian này, ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các đối tượng thụ hưởng về những quy định mới trong việc cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, sớm triển khai cho vay trong thời gian sớm nhất.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu