Cách đây một thập kỷ, năng suất lúa ở huyện Nho Quan cao nhất cũng chỉ được trên 20 tạ/ha. Khó khăn chồng chất bởi sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, trong khi địa hình ở Nho Quan rất đặc trưng, một nửa số xã vùng đồng chiêm trũng thì hơi mưa đã lụt, một nửa số xã vùng cao thì hơi nắng đã hạn. Người ta ước tính trung bình khoảng 2-3 năm, vùng Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân lại có một lần chạy lũ. Mỗi lần phân lũ, hàng chục nghìn gia đình ở huyện Nho Quan ngập 1-2 mét nước. Lũ không chỉ gây thiệt hại về tài sản, nhà cửa, hoa màu của hàng chục nghìn hộ nông dân mà cả các cơ sở như trường học, giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi cũng bị tàn phá. Ngoài ra, lũ lụt tác động xấu đến môi trường cũng rất nặng nề.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 132/QĐ-TTg về việc đầu tư xây dựng công trình phân lũ, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ hệ thống sông Hồng, bảo vệ Thủ đô Hà Nội, trong đó có vùng phân lũ sông Hoàng Long thuộc huyện Nho Quan.
Mục tiêu cụ thể đề ra là xây dựng các công trình theo hướng kiên cố nhằm giảm nhẹ thiên tai cho nhân dân vùng phân lũ hàng năm, đồng thời bảo đảm cho nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ sản xuất ăn chắc vụ chiêm xuân, mở rộng diện tích lúa hè thu, chủ động tưới tiêu và tạo điều kiện để nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, không ngừng tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhân dân vùng phân lũ ổn định đời sống, thỏa mãn nhu cầu về học tập, khám, chữa bệnh, cung cấp nước sạch, điện sinh hoạt… Chú trọng hạn chế ô nhiễm môi trường trong mùa lũ, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Mặt khác, tăng cường khả năng tiêu thoát nước khi lũ tràn về làm giảm thời gian chịu lũ, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng.
Đưa chúng tôi đi thăm một số công trình nâng cấp vùng phân lũ, chậm lũ thuộc dự án đầu tư của nhà nước, đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão huyện Nho Quan cho biết: Dự án sống chung với lũ của Chính phủ về với Nho Quan từ năm 2002 đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống dân sinh. Sau khi được thụ hưởng dự án, đường giao thông liên xã được đầu tư nâng cao, các trường tiểu học, THCS đã được xây dựng kiên cố, cao tầng, đặc biệt là dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng lũ tiếp tục được đầu tư… Đến nay toàn huyện đã nâng cấp gần 200 km đường liên xã; 27 trường tiểu học cao tầng, 534 phòng học; 15 trụ sở UBND xã; 4 nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt... với tổng kinh phí đầu tư cho các công trình hơn hai nghìn tỷ đồng.
Một số công trình mang tính chiến lược quốc gia như xây dựng tuyến đường ngăn lũ gắn với tuyến đường du lịch Bái Đính - Cúc Phương, nâng cao trình các tuyến đê xóa bỏ tràn Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân đã giúp cho người dân Nho Quan yên tâm hơn trong công tác phòng, chống thiên tai.
Để nâng cao hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước trong xây dựng các công trình phân lũ, chậm lũ, huyện Nho Quan còn tích cực thực hiện nhiều hạng mục công trình, như: Nâng cấp 15 trạm bơm, 25 trạm biến thế, 43 máy bơm với tổng công suất 331.950 m3/giờ; xây dựng hệ thống tưới tiêu cấp 1 tổng chiều dài 12 km, kênh cấp 2 là 70 km, hệ thống tưới cấp 1 gần 60 km, hệ thống bờ vùng có tổng chiều dài gần 80 km, cống tiêu, tràn xả lũ.
Có thể nói, đến thời điểm này, các công trình được đầu tư xây dựng phòng, chống lũ đã hoàn thành, đảm bảo chỉ tiêu chống lũ cho phép, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sản xuất của nhân dân, nhất là việc chủ động thâm canh tăng năng suất cây trồng có vụ mùa ăn chắc, tiến tới phát triển vụ đông, với các giống cây trồng chủ lực: khoai tây, rau xanh, ớt, tỏi, cải bắp, ngô, đậu tương… đồng thời từng bước mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt và các loại gia cầm gà, vịt theo hướng đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Diện tích gieo trồng cả năm ổn định ở mức trên 24.000 ha; trong đó diện tích trồng cây vụ đông luôn đạt mức trên dưới 3.000 ha; tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 86.390 tấn. Toàn huyện có 2.700 ha nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/ha...
Các công trình phân lũ, chậm lũ đã mang lại cho Nho Quan một diện mạo mới khang trang hơn với hệ thống giao thông tỉnh lộ và huyện lộ cùng những tuyến đường liên xã cơ bản được cải tạo. Việc phát triển kinh tế nông thôn vùng lũ từ đó từng bước được nâng cao theo hướng bền vững hơn, giúp cho các địa phương trong huyện đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Thu Hường