Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo hàng năm của tỉnh từ 1,5% đến 2% (riêng các xã nghèo giảm từ 3% đến 4%/năm); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 14/3/2017 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, mỗi năm ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 5 tỷ đồng, ngân sách huyện/thành phố bố trí tối thiểu 500 triệu đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đã quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt năm 2018, thực hiện kết luận buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, UBND tỉnh đã bố trí 30 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vào cuộc, quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này.
Đồng thời phối hợp kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 82 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,53% tổng nguồn vốn, tăng hơn 70 tỷ đồng, gấp 6,7 lần trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Từ nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang đã giúp cho hàng nghìn hộ dân thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Phát huy nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, các hộ được vay đã sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư mở rộng sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như gia đình bác Bùi Trung Thành, ở xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để đầu tư sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Mỗi năm gia đình bác Thành xuất bán 2,5 tấn nấm sò, 50 kg nấm linh chi khô, 2,5 tạ nấm mộc nhĩ khô. Sau khi trừ chi phí mỗi năm có thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát triển lớn mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đặc biệt, quan tâm bố trí vốn ngân sách địa phương cùng với ngân sách trung ương ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tại các huyện, các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng bãi ngang ven biển; các hộ dân bị thu hồi đất ... để nâng cao thu nhập thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa công tác ủy thác tín dụng, bảo đảm việc cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình.
Bài, ảnh: Giáng Hương