Trong năm vừa qua, gia đình anh Lưu Văn Nguyên ở xóm 5, xã Kim Đông là một trong những hộ gia đình có thu nhập khá từ nuôi tôm thẻ chân trắng. 4 năm trở lại đây, từ nuôi cua và tôm sú theo mô hình quảng canh cải tiến, gia đình anh Nguyên chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vì đây là loại tôm dễ nuôi, giá trị kinh tế khá cao, thị trường đang có nhu cầu. Năm 2011, gia đình anh nuôi 2 vụ trên diện tích 3.800 m2 ao nuôi chính. Vụ chính từ tháng 3 đến tháng 6, anh thả trên 20 vạn con giống; vụ 2 thả 7 vạn con giống.
Anh Nguyên cho biết: Khó khăn của người nuôi tôm năm nay là thiếu nguồn giống. Do đó, trong vụ 2, nhiều hộ trong xã không mua được giống để nuôi thả. Đặc biệt, do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi nên tôm của gia đình anh không bị chết. Mật độ nuôi thả trung bình 60 con/m2, không thả quá dày. Theo tính toán của anh Nguyên, vụ nuôi năm nay, gia đình anh thu về trên 3,5 tấn tôm, bán với giá gần 200 nghìn đồng/kg. Năm 2012, gia đình anh sẽ cho ao nghỉ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, anh sẽ thuê 3 ha đầm nuôi ở khu vực quản lý của Đoàn 500 để đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thế Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2011 của xã là 339 ha, với 789 hộ nuôi. Nhân dân đưa vào nuôi thả khoảng 46 triệu con tôm sú, 12 triệu con tôm thẻ chân trắng, 90 vạn con cua thả xen canh. Để vụ nuôi thủy sản đạt năng suất, chất lượng cao, ngay từ đầu năm, UBND xã đã xây dựng kế hoạch sản xuất, lịch cải tạo, vệ sinh ao đầm, lịch nuôi thả tới các hộ nuôi, trong đó thực hiện nghiêm chỉ đạo vụ 1 nuôi tôm sú, vụ 2 nuôi cua; riêng nuôi tôm thẻ chân trắng nuôi thả cả 2 vụ trong năm.
Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, đầu tư công sức lao động và vốn vào vụ nuôi thả. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo nhân dân về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho con nuôi. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Trạm kiểm dịch thủy sản mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về công tác nuôi trồng thủy sản cho nhân dân; quản lý tốt các lô tôm giống có chất lượng đưa vào nuôi thả...
Có thể nói, năm 2011, thời tiết diễn biến bất thường, đầu vụ sản xuất thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, sau đó nắng nóng gay gắt, thiệt hại cho sản xuất, nhất là sản xuất thủy sản. Do có sự chỉ đạo quyết liệt từ khâu cải tạo ao đầm, quản lý giống, tưới tiêu, bảo vệ và chăm sóc; công tác khuyến ngư nên sản xuất thủy sản toàn xã đạt được kết quả khá. Tôm sú, tôm thẻ đạt 79 tấn, đạt 78,2% kế hoạch năm; cua xanh đạt 68 tấn; rau câu 225 tấn; cá tạp 47 tấn... Giá trị sản xuất thủy sản của Kim Đông đạt trên 36 tỷ đồng. Giá trị sản xuất thủy sản tăng cao do giá thu mua tôm sú, cua... tăng so với năm trước.
Hiện nay, trên địa bàn xã, tôm sú và cua xanh là hai con nuôi chính. Ngoài ra, nhân dân còn nuôi đan xen các loại tôm thẻ, cá bống bớp, cá đối mực... Mô hình nuôi chủ yếu vẫn là nuôi quảng canh cải tiến, chiếm 80 - 90% (chủ yếu là nuôi tôm sú và nuôi cua); còn lại là mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh (nuôi tôm thẻ chân trắng).
Sau hơn 10 năm chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản tập trung, có thể khẳng định, sản xuất thủy sản ở Kim Đông đã đi đúng hướng, phù hợp, giá trị cao hơn các loại hình sản xuất khác. Để khai thác tiềm năng vùng kinh tế ven biển, trong năm 2012, xã Kim Đông tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất thủy sản; phối hợp giải quyết tốt những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án đầu tư cho nuôi trồng thủy sản nhanh, gọn và đồng bộ, phấn đấu giành thắng lợi lớn trong vụ nuôi năm nay.
Ngọc Minh