Mô hình được triển khai ở 1 số địa phương, trên nhiều loại đất và nhiều giống lúa. Qua đối chứng với việc gieo cấy truyền thống, kết quả, biện pháp gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay có rất nhiều ưu điểm nổi trội, như: giảm lượng giống trên một đơn vị diện tích (từ 25-40%); giảm công lao động ở khâu: ngâm ủ hạt giống, gieo, nhổ mạ, cấy lúa, giảm chi phí phun thuốc trừ sâu trên mạ.
Đối với vụ đông xuân, giảm được chi phí mua nilon che mạ. Do gieo với mật độ phù hợp, gieo nông nên lúa đẻ sớm ngay từ nách lá đầu tiên, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, bông đều, tỷ lệ bông hữu hiệu cao và năng suất tăng so với ruộng cấy thông thường. Rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa từ 7-10 ngày, tạo điều kiện cho các vụ sản xuất sau. Phương pháp này sẽ giúp nhiều địa phương giải quyết được thời vụ để mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa.
Ông Bùi Xuân Long, Phó chủ nhiệm HTX Thượng Hòa, xã Gia Thanh (Gia Viễn) cho biết: Để mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa, hàng năm HTX phải thực hiện giải pháp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy mùa sớm xong trước ngày 30-6 để thu hoạch sớm, giải phóng đất làm vụ đông, nhưng áp lực về thời vụ rất lớn, nhiều hộ phải thuê lao động để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, mỗi sào ruộng phải chi trả tới 120 ngàn đồng công cấy. Song, hiện nay, khi áp dụng phương pháp gieo thẳng giúp bà con giảm chi phí ngày công lao động mà thời vụ gieo cấy cũng được rút ngắn. Từ nhiều vụ qua, xã Khánh Thượng (Yên Mô) đã có nhiều diện tích lúa được gieo cấy theo phương pháp gieo thẳng, qua thực tế sản xuất bà con nông dân đánh giá: lúa gieo thẳng năng suất tăng từ 10-12%, nơi cao 15%. Kinh nghiệm trong sản xuất của Khánh Thượng là việc thực hiện nghiêm quy trình gieo cấy, HTX chủ động khoanh vùng cho những diện tích gieo cấy theo phương pháp gieo thẳng, đồng thời vận động cho bà con dồn điền đổi thửa để thuận lợi áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất.
Ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng (Yên Mô) cho biết: Yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả cao trong phương pháp gieo thẳng là thực hiện thành công công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng để thuận tiện cho việc điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh. Nhận thức rõ điều đó, trong nhiều vụ qua, xã Khánh Thượng đã chỉ đạo các HTX nâng cấp hệ thống thủy lợi đầu mối, vận động nông dân dồn điền đổi thửa để bà con có điều kiện mở rộng diện tích gieo thẳng, từ vài mẫu làm điểm, năm 2009, toàn xã có trên 200ha lúa gieo thẳng bằng giàn kéo tay.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh có trên 300 ha lúa được gieo theo phương pháp mới này. Qua thăm đồng và đánh giá của ngành chức năng, năng suất ước tăng hơn so với gieo cấy truyền thống từ 3-5%, nơi thâm canh cao như bón đủ các loại phân bón lót, bón phân cân đối cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, sử dụng Siêu phân bón Neb-26 vào sản xuất.....năng suất tăng 15%, có diện tích cấy bằng giống lúa lai tăng 20%.
Đặc biệt đối với bà con nông dân một số xã của huyện Nho Quan - địa phương sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó khăn, do điều kiện địa hình canh tác phức tạp, thâm canh gặp nhiều trở ngại, năng suất lúa hàng năm đều thấp so với các địa phương khác trong tỉnh, phương pháp mới này đã cho năng suất lúa cao hơn, vụ mùa 2009 này toàn huyện có trên 200ha lúa thực hiện theo phương pháp gieo thẳng bằng giàn kéo tay, riêng xã Gia Tường có hơn 100ha. Gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay tạo điều kiện để bà con các địa phương trong tỉnh cùng tìm hiểu, so sánh với các biện pháp khác, học tập vận dụng từ đó thay đổi tập quán gieo cấy lúa từ truyền thống thủ công sang áp dụng công nghệ cơ giới mới. Đây cũng chính là công nghệ đột phá trong thâm canh lúa, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Theo kỹ sư Phạm Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh, phương pháp gieo vãi bằng giàn kéo tay đang được Trung tâm khuyến nông đánh giá, rút kinh nghiệm và khuyến cáo bà con mở rộng diện tích. Với chức năng là cầu nối giữa KHKT với nông dân, Trung tâm khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới này cho bà con ở những địa phương mới thức hiện lần đầu để bà con kịp nắm bắt và áp dụng trên diện rộng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi