Mặc dù ghép thận là phương thức điều trị tốt nhất cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối; nhưng thực tế ngoài việc tuyển chọn người cho và người nhận phải rất chặt chẽ, thì chi phí ghép thận, cũng như nguồn hiến thận khan hiếm,… là điều khiến nhiều bệnh nhân ít có cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị suy thận mạn này. Do đó, ở giai đoạn này, cách điều trị tối ưu nhất hiện nay đó là đặt Catheter lọc máu trong màng bụng (còn gọi là lọc máu ngoài thận hay là phương pháp thẩm phân phúc mạc). Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, từ tháng 1/2017, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển giao phương pháp điều trị này cho Khoa Nội thận tiết niệu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh và khoa đã áp dụng, triển khai thành công kỹ thuật này, thực hiện điều trị ngoại trú hiệu quả cho nhiều bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.
Trường hợp ông Nguyễn Đức Hạnh, sinh năm 1965, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) bị suy thận 6 năm nay, hiện thận vào giai đoạn suy mạn. Trước đây, ông thường xuyên phải lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Tuy nhiên hiện nay, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai kỹ thuật này, ông đã áp dụng và cho thấy những hiệu quả, như sức khỏe vẫn đảm bảo ổn định như khi lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị, đồng thời giảm chi phí đi lại và công sức, thời gian của người thân chăm sóc. Một tháng, ông Hạnh chỉ phải đến bệnh viện 1 lần để bác sỹ kiểm tra sức khỏe và nhận dịch về thay tại nhà.
Bác sỹ Nguyễn Thị Hường, Khoa Nội thận tiết niệu cho biết: Lọc màng bụng là phương pháp điều trị thay thế thận thông qua chức năng lọc của màng bụng, có tác dụng điều trị giống như chạy thận nhân tạo. Phương pháp này có thể thực hiện tại nhà và trở thành cơ hội sống cho những bệnh nhân không thể đến các trung tâm chạy thận thường xuyên. Theo đó, các bác sĩ sẽ đặt một ống Catheter ở màng bụng bằng phương pháp mổ nội soi. Qua ống Catheter này, dịch lọc sẽ được đưa vào ổ bụng. Sau 4 giờ trong ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc. Khi đã hút các chất độc, dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định. Sau khi thải hết dịch lọc bẩn qua ống dẫn, bệnh nhân sẽ tiếp tục quy trình mới: đưa dịch lọc sạch vào ổ bụng và lại thải ra sau 4 giờ. Lượng dịch lọc đưa vào ổ bụng khoảng 2 lít mỗi lần, mỗi lần 30 phút và ngày thực hiện 4 lần.
Với phương pháp này, quá trình lọc máu diễn ra liên tục, vì thế sức khỏe bệnh nhân ổn định, tránh được tình trạng đau nhức cơ, sạm da, mất máu cũng như ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể vốn đã suy yếu. Đồng thời bệnh nhân duy trì chức năng thận tồn dư lâu hơn, có thể áp dụng được cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em, người bị các bệnh lý tim mạch, như: suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp. Chi phí cho một ca phẫu thuật đặt Catheter vào khoảng 10 triệu đồng, tùy theo kỹ thuật mổ và loại thiết bị. Điều vui mừng cho các bệnh nhân mắc suy thận mạn giai đoạn cuối là hiện bảo hiểm y tế đã thanh toán tiền dịch, bệnh nhân chỉ phải chi trả 400 nghìn đồng tiền dụng cụ y tế nắp Minicap...
Theo các bác sĩ, hiện nay, lọc màng bụng chu kỳ ngoại trú tại nhà ngày càng phổ biến ở Việt Nam do tính đơn giản, thuận tiện và chi phí tương đối thấp. Đây cũng là phương pháp điều trị thay thế thận có những ưu việt riêng, đặc biệt với các bệnh nhân sống xa trung tâm thận nhân tạo, những bệnh nhân chống chỉ định thận nhân tạo và không có điều kiện ghép thận.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quản lý điều trị cho 15 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối thực hiện lọc màng bụng ngoại trú. Với việc áp dụng thành công kỹ thuật chuyển giao đặt Catheter lọc máu trong màng bụng của Bệnh viện Bạch Mai, thời gian tới, Khoa Nội thận tiết niệu tiếp tục học hỏi, triển khai sâu rộng kỹ thuật mới này, giúp cho nhiều người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong và ngoài tỉnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, giảm chi phí điều trị và tình trạng quá tải cho tuyến trên, được điều trị và chăm sóc sức khỏe ngay tại gia đình.
Hạnh Chi