Bước đầu sản xuất nông sản an toàn bằng hình thức tự phát, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao, đầu năm 2017, được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tư vấn hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, mua sắm máy móc, anh Lê Văn Tiên, cùng hai hộ trồng rau nhỏ lẻ ở xã Gia Phương (Gia Viễn) đã thành lập tổ hợp tác sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng trên diện tích 3.600m2.
Anh Lê Văn Tiên, Tổ trưởng tổ hợp tác liên kết sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng cho biết: Tổ hợp tác có 3 thành viên, là các hộ trồng rau quy mô lớn và nhiều kinh nghiệm trên địa bàn xã. Với việc thành lập tổ hợp tác sản xuất, chúng tôi có điều kiện được hỗ trợ và đầu tư mua máy làm đất đa năng, máy ép cám viên, máy trộn bê tông, máy băm nghiền đa năng phục vụ mô hình sản xuất nông sản an toàn. Đặc biệt, với việc thành lập tổ hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt cho các tổ viên trồng rau, củ, quả an toàn. Hệ thống tưới này không những nhanh, tiết kiệm mà còn đảm bảo được việc cung cấp nước, dinh dưỡng một cách đầy đủ cho cây trồng phát triển. Tổ hợp đã đưa vào trồng các loại rau củ như dưa chuột thái, dưa Hàn Quốc cấy trên gốc bí đỏ trong nhà lưới và tưới bằng hệ thống nhỏ giọt theo đúng quy trình sản xuất VietGap. Các loại cây trồng được kiểm tra, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, từ đó các thành viên trong tổ yên tâm sản xuất, không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo đầu ra ổn định, giá thành cao.
Theo anh Tiên, việc thành lập Tổ hợp tác liên kết sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng đã tạo tiền đề cho sự liên kết giữa các hộ dân với nhau. Thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì sự liên kết đã tạo ra một đầu mối chung, qua đó Tổ hợp tác nâng cao được tiềm lực kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, dễ dàng hơn trong triển khai chính sách hỗ trợ, tìm kiếm đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Đặc biệt, với việc thành lập Tổ liên kết, các thành viên cùng trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, hỗ trợ nhau cùng sản xuất theo phương thức khoa học, công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm…
Đối với nhóm hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh (Kim Sơn), những ngày thời tiết không thuận lợi như mưa rét, bão lũ, nắng nóng không còn là mối quan tâm, bởi tôm được nuôi trong nhà lưới lót bạt mà nhóm áp dụng có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp nuôi tôm truyền thống từ trước đến nay. Ông Vũ Hải Đường, thành viên trong nhóm cho biết: Mô hình nuôi tôm trong nhà bạt được xây dựng nuôi thử nghiệm từ đầu năm 2017, trên diện tích 7ha. Toàn bộ hệ thống ao nuôi, ao ươm, ao xử lý nước đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, được bê tông hóa bờ, đáy. Riêng ao nuôi có diện tích 3 ha được làm mái che hình chóp nón, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ giúp giảm thiểu sự tác động của thời tiết, đặc biệt vào những đợt rét đậm, rét hại hoặc nắng nóng kéo dài, nhiệt độ bên trong nhà bạt luôn đảm bảo cao hơn hoặc thấp hơn từ 5 -10 độ C so với bên ngoài. Chính vì vậy, ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào, tôm cũng luôn sinh trưởng và phát triển tốt.
Ông Vũ Hồng Sơn, một thành viên khác trong nhóm hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh cho biết thêm: Trong quá trình chăn nuôi, tôm trong nhà lưới được nuôi theo công nghệ vi sinh. Đây là hệ thống nhân sinh khối vi khuẩn có lợi để đưa vào trong ao nuôi. Vi khuẩn có lợi có khả năng kiểm soát tốt các thành phần dinh dưỡng trong cột nước để duy trì mật độ tảo ở mức thích hợp và hạn chế tảo độc phát triển. Đối với mỗi ao nuôi, ngoài việc trang bị hệ thống quạt nước để cung cấp nguồn ôxy cho tôm nuôi, giải phóng khí độc; dưới đáy ao còn được lắp đặt hệ thống xi phong để loại bỏ chất thải của tôm ra bên ngoài. Chất thải của tôm được xử lý để nuôi trùn quế - đây là nguồn thức ăn cung cấp cho tôm.
Với việc liên kết thành nhóm hộ nuôi tôm, tích cực đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi, nhà lưới hiện đại, đặc biệt ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tôm phát triển với những ưu điểm vượt trội. Theo đánh giá của các hộ, nuôi tôm theo phương pháp này giảm 50% chi phí, thức ăn giảm 30%, tỷ lệ sống đạt 100%... 1 năm, nhóm hộ gia đình có thể nuôi được 4 vụ, năng suất cao gấp 3-4 lần, sản lượng đạt 21 tấn/ha/vụ, tăng gấp hai lần so với phương pháp nuôi quảng canh. Từ thành công trên, nhóm hộ nuôi tôm tại thị trấn Bình Minh đang mở rộng liên kết hỗ trợ nhân dân trong vùng với mục tiêu đưa con tôm Kim Sơn không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đồng chí Phạm Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, năm 2017, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh xây dựng được 15 mô hình tổ, nhóm hợp tác, HTX liên kết sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ cao với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đồng thời mở các lớp tập huấn tại các huyện, thành phố và tổ chức các chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để người dân học hỏi kinh nghiệm về áp dụng thực tế tại địa phương.
Với việc liên kết hình thành các tổ, nhóm hợp tác, HTX trong sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện cho người dân thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang phương thức sản xuất mới; huy động thêm tiềm lực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc, nhà xưởng; tích cực học hỏi, ứng dụng KHKT vào sản xuất; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững. Cùng với đó, các tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất còn tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm; cung ứng ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Cũng theo đồng chí Phạm Mạnh Hà, thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đầu tư cho các tổ, nhóm liên kết sản xuất đa dạng hóa các cây, con phù hợp với đặc điểm từng địa phương trong tỉnh; xây dựng cơ chế khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX, mô hình liên kết từ khâu sản xuất, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm; hướng đến kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị đạt được trên diện tích canh tác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Hạnh Chi