Trong 27 xã, thị trấn thì có 4 xã, 18 thôn, bản đặc biệt khó khăn và có đến 9 xã nghèo trọng điểm của tỉnh Ninh Bình. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người nông dân là thiếu vốn và cách thức để phát triển kinh tế, chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Ngân hàng chính sách xã hội về ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nho Quan cho biết: hoạt động ủy thác cho vay vốn ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để làm ăn giữa NHCSXH và Hội nông dân huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ, các cấp hội thực sự là những chiếc cầu nối giữa ngân hàng với hàng nghìn hộ sản xuất.
Hội nông dân huyện cũng đã củng cố và thành lập được 142 tổ tiết kiệm vay vốn cho 6959 hộ hội viên nông dân vay với tổng dư nợ là gần 50 tỷ đồng, trong đó hộ nghèo là 18,3 tỷ đồng; học sinh, sinh viên là 8,9 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường là 2,8 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của 26/27 xã với dư nợ 17,9 tỷ đồng....
Hội viên Bùi Văn Chương (xã Văn Phong) được vay vốn đầu tư chăn nuôi.
Để đồng vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng xin vay và sử dụng vốn vay có hiệu quả, đồng chí Đinh Xuân Khuông, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan cho biết: Hội đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức sinh hoạt chi Hội và họp với nông dân nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để bình xét hộ vay vốn. Với việc làm thiết thực là hỗ trợ nông dân nghèo có kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay để thoát nghèo bền vững. Hội nông dân huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi chuyển giao KHKT tới hàng nghìn lượt hội viên tham dự và xây dựng các mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo học tập như: mô hình lúa chất lượng cao; mô hình lúa cao sản; mô hình chăn nuôi...
Điển hình như hộ ông Quyển, hội viên nông dân xã Sơn Thành, ông Hồng (xã Lạng Phong), ông Vụ (xã Thượng Hòa)...phát triển chăn nuôi, làm nấm, kinh doanh tổng hợp cho thu nhập hàng năm bình quân từ 50 triệu đồng trở lên; và nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư các loại giống: ngô, lúa mới để gieo trồng chuyển đổi cơ cấu thời vụ, mở mang ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, hiệu quả sử dụng đồng vốn tín dụng ưu đãi ở Nho Quan được thực hiện khá tốt: hơn 80% trong tổng số các tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động hiệu quả, từ nguồn vốn vay hộ nghèo đã tạo điều kiện giúp cho 588 hộ hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã trở nên khá giả.
Bài, ảnh: Đức Lam