Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, TBXH huyện Kim Sơn cho biết: Là địa bàn có nhiều ao, hồ, sông, ngòi…, nên vào mùa hè nóng bức thường thu hút trẻ em tham gia các hoạt động tắm, giặt, chơi đùa. Trong khi đó, các bậc phụ huynh lại khá bận rộn với việc nhà nông nên chưa có sự quản lí, giám sát chặt chẽ đối với con em mình. Còn nhiều gia đình để các em tự do vui chơi, nên khi xảy ra tai nạn đuối nước, thường không có sự ứng cứu kịp thời từ phía người lớn. Đây là một thực trạng đáng lo ngại.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa huyện Kim Sơn vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do, huyện chưa có điều kiện tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng hay các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Công tác tuyên truyền mới được thực hiện qua đường văn bản xuống các xã, thị trấn cũng như qua hệ thống Đài phát thanh của huyện... Do đó, hiệu quả từ công tác tuyên truyền chưa cao. Trong khi đó, ở các địa phương, đội ngũ phụ trách công tác trẻ em đa phần đều do cán bộ Lao động, TBXH hoặc cán bộ văn hóa kiêm nhiệm nên còn hạn chế.
Nhằm cùng đồng hành, hỗ trợ huyện Kim Sơn trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ, từ năm 2019, tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận và triển khai Dự án "Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em ở Việt Nam" do Quỹ từ thiện Bloomberg (Hoa Kỳ) tài trợ và thực hiện ở 10 xã trên địa bàn huyện Kim Sơn.
Theo đó, dự án được chia làm 3 hợp phần, bao gồm: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi; Tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi.
Mục tiêu của dự án là hướng tới 500 trẻ em trong vùng dự án biết bơi. Hàng nghìn trẻ từ 6-15 tuổi được tập huấn về phòng, chống đuối nước; các địa phương dự án tiếp tục duy trì mô hình quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em tại địa phương và nhân rộng sang các địa phương khác; 100% cán bộ, nhân dân trong vùng dự án được truyền thông về phòng, chống đuối nước…
Sau 2 năm triển khai (2019-2020), Dự án đã tổ chức được 45 lớp dạy bơi cho 900 trẻ, là học sinh THCS trên địa bàn. Sau khóa học, 100% số trẻ em tham gia đã biết bơi và được trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước. Cùng với đó, Dự án cũng đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, thu hút 2.000 lượt trẻ em và trên 1 nghìn lượt đại diện hộ gia đình có trẻ từ 0-5 tuổi tham dự.
Cũng thông qua việc khảo sát các địa điểm dễ xảy ra nguy cơ đuối nước và ý kiến của các xã dự án trong việc cải tạo môi trường an toàn cho trẻ, Ban điều phối Dự án phòng chống đuối nước trẻ em huyện đã cấp 80 biển báo cho 10 xã dự án, đặt tại những nơi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Trong năm 2020, đã lắp đặt 1 bể bơi ở xã Kim Hải và thực hiện gói hỗ trợ công trình phụ trợ bể bơi.
Với việc triển khai Dự án một cách bài bản, thiết thực, đã góp phần giảm dần tỷ lệ tử vong do đuối nước. Theo thống kê, trong năm 2018, toàn huyện xảy ra 25 vụ đuối nước tử vong. Năm 2019, còn 11 trẻ em tử vong do đuối nước và đến năm 2020, con số này đã giảm xuống còn 9 vụ đuối nước khiến 9 trẻ tử vong. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện chỉ xảy ra 1 vụ đuối nước ở trẻ em.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động, TBXH huyện Kim Sơn cho biết thêm: Số vụ tai nạn đuối nước giảm dần, đó là tín hiệu tích cực, thể hiện những bước đi đúng hướng trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trên địa bàn huyện, nhất là sau khi triển khai thực hiện Dự án.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án phòng chống đuối nước ở trẻ tại một số xã có nhiều nguy cơ, huyện Kim Sơn tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn dành cho công tác trẻ em. Đồng thời, tăng cường phổ biến về các biện pháp phòng, chống đuối nước đến các bậc phụ huynh. Bởi qua các vụ đuối nước gần đây cho thấy, số trẻ em bị đuối nước chủ yếu dưới 6 tuổi. Đây là lứa tuổi mà độ an toàn của trẻ phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm chăm sóc, giám sát và bảo vệ của gia đình.
Bài, ảnh: Đào Hằng