Đây là một trong các dự án về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã mang lại hiệu quả, tạo động lực giúp nghề trồng nấm trong tỉnh phát triển, tạo ra thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thực tế cho thấy, nghề trồng nấm ở tỉnh ta đã phát triển khá lâu nhưng chưa trở thành phong trào sản xuất trên diện rộng và chưa thực sự trở thành nghề chính giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu giống và không tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, dự án hỗ trợ giống nấm được coi là một động lực giúp cho nghề trồng nấm tỉnh ta phát triển.
Để thực hiện dự án có hiệu quả, ngay từ đầu năm 2010, Trung tâm đã tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản và chế biến 5 loại nấm: nấm sò, mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm rơm, nấm linh chi cho 180 hộ trồng nấm trên địa bàn các huyện Yên Mô, Gia Viễn và Nho Quan. Kết quả, các hộ nông dân sau khi tham gia lớp tập huấn đã nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản về sản xuất nấm thương phẩm. Trung tâm đã cử 3 cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đi đào tạo, nâng cao nghiệp vụ sản xuất giống nấm tại Trung tâm Công nghệ sinh học - Viện Di truyền nông nghiệp. Đồng thời tổ chức sản xuất các loại giống nấm đạt chất lượng tốt, đủ số lượng, kịp thời vụ, trong đó có 11.000 kg giống nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm cấp 3; 6.000 chai giống nấm linh chi cấp 2 và 2.000 túi mộc nhĩ cấp 3. Do giống đạt chất lượng tốt nên các hộ trồng nấm thương phẩm đã đạt được năng suất cao: Nấm rơm đạt gần 200 kg/tấn nguyên liệu; nấm sò từ 600 đến 900 kg/tấn nguyên liệu; nấm linh chi đạt gần 55 kg nấm khô/tấn nguyên liệu. Bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, dự án còn hỗ trợ cho người trồng nấm 30% giá giống, đã giúp cho các hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh giảm bớt được gánh nặng về kinh tế khi đầu tư trồng nấm, qua đó khích thích các hộ mở rộng sản xuất.
Ông Phạm Văn Tiến (xã Khánh Trung, Yên Khánh) cho biết: Năm 2010, được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng khoa học, công nghệ và đo lường thử nghiệm về kỹ thuật nên nghề trồng nấm của gia đình ông ngày càng phát triển. Đặc biệt, gia đình ông đã nhập toàn bộ các giống nấm từ Trung tâm, được hỗ trợ 30% giá giống nên chi phí đầu tư giống giảm từ 4.000-5.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, Trung tâm còn cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm và thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình phát triển của nấm, kịp thời tháo gỡ khó khăn khi người trồng nấm gặp phải. Hiện nay gia đình ông đang sản xuất nấm sò, nấm linh chi, nấm rơm, mộc nhĩ. Trong đó hiệu quả kinh tế cao nhất vẫn là nấm linh chi, đây là loại nấm thảo dược quý, gia đình ông Tiến đầu tư 1 vạn bịch nấm linh chi, đến nay đã thu lứa 1 được 150 kg nấm khô, còn 2 lứa nữa đang tiếp tục thu. Với giá hiện nay là 470.000 đồng/kg nấm khô, cả vụ gia đình ông có thể thu trên 350 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 50 triệu đồng còn lãi trên 300 triệu đồng.
Có thể khẳng định, hiệu quả mà dự án mang lại đã giúp nhiều hộ trồng nấm vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần giải quyết vấn đề việc làm ở nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rơm rạ gây ra.
Bài, ảnh: Hương Giang