Tính đến thời điểm tháng 5/2019, trên địa bàn huyện Kim Sơn có 296 bệnh nhân đang được điều trị Methadone tại Trung tâm y tế huyện; trong đó, số bệnh nhân điều trị trên 6 tháng là 237, số bệnh nhân có HIV (+) là 45. Bà Ninh Thị Liên, cán bộ chuyên trách HIV/AIDS, Trung tâm y tế huyện Kim Sơn cho biết: Chương trình điều trị Methadone được triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2014, đến nay cho thấy những hiệu quả thiết thực và được coi là phương pháp điều trị khả quan, mang lại lợi ích to lớn. Nổi bật trong đó là trong quá trình điều trị không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác động không mong muốn do thuốc gây ra. Cùng với đó, các hành vi sử dụng ma túy khi tham gia điều trị Methadone giảm một cách rõ rệt, người nghiện dùng một lần sẽ duy trì trạng thái ổn định cả ngày, không tăng liều. Hơn nữa, tỷ lệ dùng chung bơm kim tiêm, lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường máu, làm giảm các hành vi bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm đáng kể...
Được biết, để công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đạt hiệu quả cao, Trung tâm y tế huyện Kim Sơn đã chỉ đạo Khoa Methadone tiến hành chặt chẽ các khâu, từ xét chọn đối tượng (không xét chọn những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng có đăng ký thường trú tại địa phương nhưng thường xuyên vắng nhà hoặc những bệnh nhân không có khả năng đi đến cơ sở điều trị hàng ngày). Bệnh nhân được lựa chọn được khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm, nếu đủ tiêu chuẩn được cấp thẻ điều trị. Đội ngũ cán bộ y tế của Khoa Methadone tại Trung tâm y tế Kim Sơn luôn thực hiện nghiêm túc các hoạt động chuyên môn, tăng cường hoạt động tư vấn trước, trong và sau điều trị cho người bệnh. Điều đáng ghi nhận là đội ngũ cán bộ y tế của Khoa luôn nỗ lực hết mình trong việc tiếp cận, chăm sóc và điều trị cho những người bệnh "đặc biệt" này. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một người thầy thuốc mà còn là người luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần, góp phần động viên, giúp đỡ các đối tượng tham gia cai nghiện đạt hiệu quả cao, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Hàng ngày, người bệnh đến uống thuốc điều trị, được các nhân viên y tế giám sát trực tiếp. Hiện nay, bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone vẫn đang được hoàn toàn miễn phí, bệnh nhân chỉ phải chi trả 9 nghìn đồng/người/ngày công tiền công uống thuốc, là số tiền rất thấp so với số tiền phải chi trả từ 200-400 nghìn đồng/người nghiện phải bỏ ra hàng ngày để sử dụng ma túy bất hợp pháp.
Kết quả đánh giá hàng năm cho thấy, hầu hết các đối tượng tham gia chương trình điều trị thuốc Methadone đều có những cải thiện rõ nét về sức khỏe. Cụ thể về sức khỏe, thể chất và tâm thần của bệnh nhân, đa số bệnh nhân tuân thủ trong quá trình điều trị, sức khỏe được cải thiện, bệnh nhân tăng cân, ăn ngủ tốt. Về hiệu quả đối với gia đình, đa số bệnh nhân đã tìm kiếm công việc tăng thu nhập cho bản thân, tăng nhân cách con người, giúp ổn định cuộc sống gia đình, có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội. Về hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV của bệnh nhân cho thấy, tất cả bệnh nhân trong và trước khi xét duyệt vào điều trị Methadone đều được làm xét nghiệm HIV; đồng thời trong quá trình điều trị, bệnh nhân được làm xét nghiệm định kỳ và chưa phát hiện được trường hợp nào nhiễm HIV trong quá trình điều trị Methadone. Như vậy, việc điều trị Methadone đã ngăn chặn đáng kể lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích Heroin. Đối với hành vi vi phạm pháp luật của bệnh nhân, thì điều trị Methadone đã giảm đáng kể sự thèm nhớ sử dụng Heroin của bệnh nhân. Đồng thời giảm đáng kể việc sử dụng ma túy bất hợp pháp, do việc giảm các chi phí cho việc sử dụng ma túy nên hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật của bệnh nhân liên quan đến việc sử dụng ma túy... Những kết quả này mở ra hướng đi mới trong công tác phòng, chống ma túy và lây nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có người nghiện và ổn định trật tự xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đặt ra cho các địa phương nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng là số lượng bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện có chiều hướng gia tăng, phức tạp, nhiều người có tiền án tiền sự. Còn nhiều bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều chưa ổn định về thể chất tinh thần. Cùng với đó, bệnh nhân trước điều trị đa số bệnh nhân sử dụng heroin, kèm theo Metamphetamin (ma túy đá) nhưng Methadone không có tác dụng điều trị đối với Metamphetamin (ma túy đá). Số lượng bệnh nhân ra khỏi chương trình còn nhiều. Số lượng cán bộ làm việc tại Khoa Methadone còn thiếu...
Với những kết quả đạt được và những khó khăn còn tồn tại trong công tác điều trị thay thế thuốc Methadone, Trung tâm y tế huyện Kim Sơn tiếp tục chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng viết bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của huyện. Kết hợp lồng ghép công tác truyền thông giáo dục cho bệnh nhân và gia đình vào các cuộc tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân… Đồng thời đề nghị UBND huyện tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone và có phương án tăng cường biên chế cho Khoa Methadone tại Trung tâm y tế Kim Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tại các xã, thị trấn trên địa bàn được tham gia điều trị, góp phần hạn chế và đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy trên địa bàn huyện.
Hạnh Chi