Anh Nguyễn Văn M., phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) đang có cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh cùng với gia đình nhờ tự nguyện tham gia uống thuốc Methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện mà anh mắc nghiện từ 5 năm nay. Hàng ngày, đều đặn hơn 7h buổi sáng, anh đến uống thuốc Methadone tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), sau đó về nhà cùng vợ buôn bán hàng gia dụng tại gia đình. Sau một thời gian uống thuốc, anh M. nhận thấy, sức khỏe tốt dần, người nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn.
"Tôi được tuyên truyền, tư vấn và quyết định dùng thuốc Methadon thay thế chất gây nghiện ma túy. Từ khi uống thuốc theo sự hướng dẫn, với đúng liều lượng, vào thời gian nhất định, đến nay, được 3 năm, tôi thấy sức khỏe ổn định dần, không còn cảm giác thèm ma túy như trước nữa. Tôi được bác sĩ tư vấn, nếu kiên trì theo phương pháp điều trị thay thế thuốc nghiện ma túy bằng Methadone lâu dài, sẽ từ bỏ dứt điểm được ma túy. Tôi sẽ cố gắng để thực hiện được điều này, trở lại cuộc sống bình thường…" - anh M. tự tin cho biết.
Theo Bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), Methadone là một chất dạng thuốc phiện (CDTP) tổng hợp, có tác dụng dược lý tương tự như các CDTP khác (như Thuốc phiện, Heroin, Morphin, Buprenorphine…), nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán hủy dài (trung bình là 24 giờ) nên chỉ cần sử dụng 1 lần trong 1 ngày là đủ để có thể không xuất hiện hội chứng cai.
Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài. Methadone được chỉ định điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện, là một giải pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, có nhiều ưu điểm (giá rẻ, dễ kiểm soát, hạn chế việc lây nhiễm HIV...), đã được triển khai tại gần 80 nước trên thế giới.
Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadonne được tỉnh Ninh Bình đưa vào hoạt động từ năm 2012. Hiện trên địa bàn tỉnh ta có 6 cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các huyện Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp.
Riêng huyện Nho Quan, năm 2019 đã mở thêm 2 điểm cấp phát thuốc Methadone tại Trạm Y tế xã Gia Lâm và Phòng khám Đa khoa Quỳnh Sơn - xã Quỳnh Lưu. Việc mở thêm 2 điểm cấp phát thuốc này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân không phải đi quá xa, thời gian và chi phí đi lại ít hơn, bệnh nhân được uống thuốc đều, đủ liều và chấp hành tốt quy định của chương trình.
Để được điều trị bằng thuốc Methadone, các bệnh nhân tự nguyện đến đăng ký, sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục, giấy tờ, trải qua các xét nghiệm... sẽ được đưa vào điều trị. Các cơ sở điều trị đều được trang bị các thiết bị, máy móc phục vụ việc khám, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc điều trị, đáp ứng nhu cầu điều trị và uống thuốc cho người nghiện.
Tại các cơ sở điều trị, thường vào buổi sáng, người bệnh đến đăng ký, xếp hàng thông qua thẻ có mã số. Việc uống thuốc được thực hiện ngay tại các cơ sở điều trị, khi uống thuốc, người bệnh có sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế tại đó để đảm bảo uống đúng cách, đúng liều theo chương trình điều trị.
Sau hơn 7 năm triển khai, các cơ sở điều trị đã tiếp nhận và duy trì điều trị thường xuyên cho những bệnh nhân là những đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn các huyện, thành phố. Tính đến tháng 5/2019, tổng số bệnh nhân hiện đang tham gia điều trị trên địa bàn tỉnh là 794 bệnh nhân, đạt 88% so với chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, số bệnh nhân điều trị liều duy trì trên 6 tháng là 693 người, chiếm 87%.
Theo đánh giá, kết quả chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone những năm qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, số người tái nghiện giảm đáng kể. Tại các cơ sở điều trị, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên luôn thực hiện nghiêm túc các hoạt động chuyên môn, đảm bảo cho người bệnh được uống thuốc hàng ngày; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh tuân thủ điều trị; phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ tâm lý, xã hội, gần gũi lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần để động viên giúp đỡ người bệnh kiên trì tham gia cai nghiện tốt nhằm nâng cao hiệu quả điều trị; đặc biệt, quan tâm đến tuyên truyền về lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế...
Trong quá trình điều trị, hầu hết người nghiện đều chấp hành tốt quy định giờ uống thuốc cũng như các tư vấn, khuyến cáo của cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế để bảo vệ sức khỏe. Đa số bệnh nhân sau một thời gian điều trị tại các cơ sở đều có chuyển biến tích cực, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tinh thần, tâm trí ổn định, thêm nghị lực, niềm tin, kiên trì điều trị hòa nhập cuộc sống.
Bởi không chỉ giảm tần suất và ngừng sử dụng ma túy, bệnh nhân còn được cải thiện rõ nét về mặt tinh thần, tâm trí ổn định để kiên trì điều trị. Kết quả này mở ra hướng đi mới trong công tác phòng, chống ma túy và lây nhiễm HIV/AIDS, góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình có người nghiện và giữ vững ổn định trật tự xã hội.
Cũng theo Bác sĩ Phan Khắc Lưu, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Nguyên nhân là do hiện nay cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị Methadone chưa có chuyên trách mà phải kiêm nhiệm; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; số người nghiện ma túy chưa hiểu đúng và đầy đủ về chương trình cai nghiện bằng Methadone còn nhiều...
Đặc biệt, nhiều gia đình và người nghiện chưa dám công khai đến điều trị do sợ bị kì thị; một số bệnh nhân uống thuốc không đúng giờ, hoặc tự ý bỏ liều thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị, tạo dư luận không tốt về chương trình điều trị Methadone...
Vì vậy, để giúp người nghiện gạt bỏ tự ti, mặc cảm, thu hút người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị tại các cơ sở điều trị Methadone, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, gia đình và cộng đồng, đặc biệt là sự hợp tác, thực hiện nghiêm túc của người bệnh, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, chống tái nghiện khi bệnh nhân ra khỏi chương trình, hướng tới mục tiêu cộng đồng trong sạch, vững mạnh, không có tệ nạn xã hội.
Hạnh Chi