Ông Dương Văn Phái, Giám đốc HTX nông nghiệp Ân Hòa chia sẻ: Nửa cuối tháng 7/2018, mưa trắng trời khiến toàn bộ hơn 200 ha đất cấy lúa vụ mùa của xã bị ngập. Lượng nước phía trong cao hơn ngoài đồng ruộng đến 20cm. Để tiêu nước phía trong đồng, HTX đã huy động hàng chục máy bơm dầu và máy bơm điện để bơm tát. Thế nhưng, giải pháp nào để tiêu nước cho hệ thống kênh thủy lợi trục chính của xã khi lượng nước rất lớn từ trong đồng được bơm ra - là câu hỏi lớn mà xã Ân Hòa từng rất trăn trở từ nhiều năm trước đây.
Ông Phái cho biết thêm: Được sự chấp thuận của UBND xã, từ năm 2010, HTX Ân Hòa đã đầu tư xây lắp 2 trạm bơm vô ống tại các cửa cống nối ra sông Hàm Ân, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất lúa trong trường hợp ngập úng. Tổng mức đầu tư vào thời điểm đó là khoảng 500 triệu đồng. Với công suất bơm 3.900m3/giờ, các trạm bơm vô ống có thể đảm bảo việc tiêu úng cho toàn bộ diện tích lúa mùa của xã. Ròng rã suốt 5 ngày bơm tiêu liên tục, hơn 200ha lúa của xã Ân Hòa đã thoát khỏi tình trạng ngập úng, đủ điều kiện để bà con nông dân xuống đồng gieo cấy lúa vụ mùa
Đồng chí Trần Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Chất Bình cho biết: Trên địa bàn xã cũng có 2 trạm bơm vô ống được lắp đặt từ năm 2006. Qua hơn 10 năm vận hành, các trạm bơm vô ống đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Thực tế sử dụng, bơm vô ống đã chứng minh được tính năng cũng như hiệu quả vượt trội so với những hệ thống bơm trước đây, với cùng một lượng nước được bơm, lượng điện tiêu hao của bơm vô ống chỉ bằng 1/3 đến 1/4 lần so với bơm trục đứng, trong khi đó chi phí lắp đặt chỉ bằng 1/4 so với với việc xây lắp một trạm bơm, thoát nước như trước đây. Ngoài ra, bơm vô ống còn có thể dễ dàng lắp đặt ở các máng cống lấy nước sẵn có và có thể sửa chữa, thay thế linh kiện đơn giản hơn rất nhiều khi xảy ra sự cố hay hỏng hóc.
Được biết, máy bơm vô ống là sáng kiến của một tác giả được sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình. Trước khi được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2006, bơm vô ống đã đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2005. Điểm mới làm nên sáng chế này đó chính là tác giả đã lắp đặt phần thân bơm ngay trên ống cống có sẵn của hệ thống thủy nông, tạo nên một hệ thống bơm mà không cần ống.
Theo thiết kế, cánh bơm và guồng nước quay nhờ hệ thống truyền lực từ động cơ sang trục bơm bằng dây cua roa, khi bơm nước xong sẽ có bộ phận đậy nắp kín và lúc này thân bơm có tác dụng như tấm ngăn nước. Một ưu điểm nữa của bơm vô ống đó là có thể bơm được hai chiều bằng cách đảo pha điện để thay đổi chiều quay của động cơ. Kết cấu này sẽ giúp cung cấp nước tưới tiêu vào mùa khô và xả nước chống ngập úng vào mùa mưa mà không phải xây thêm cửa hút, cửa xả, bể điều tiết nước, góp phần giảm thiểu chi phí lắp đặt.
Vì vậy, máy bơm vô ống đã được nhiều HTX trong toàn tỉnh đặt hàng lắp đặt, vừa sử dụng để bơm tiêu úng, vừa giúp điều tiết nước phục vụ sản xuất. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn, trên địa bàn toàn huyện hiện có trên 40 trạm bơm vô ống đã được lắp đặt, công suất từ 3.500m3/giờ trở lên. Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn khẳng định, trong đợt mưa lũ do bão số 3 và áp thấp nhiệt đới gây ra, các trạm bơm vô ống trên địa bàn đã cho thấy tính hiệu quả và ổn định rất cao. Chi phí đầu tư lắp đặt trạm bơm vô ống rẻ hơn rất nhiều so với các trạm bơm thông thường nhưng công suất vẫn đảm bảo, mà chi phí tiêu thụ điện năng lại thấp.
Với đặc điểm địa hình tiếp giáp biển, huyện Kim Sơn thường chịu ảnh hưởng do hoạt động lên xuống của thủy triều, gây khó khăn cho công tác tiêu úng khi thiên tai xảy ra. Với tính ưu việt của trạm bơm vô ống đã được chứng minh, thiết nghĩ đây là giải pháp hữu hiệu cho việc tiêu úng nước, không chỉ riêng huyện Kim Sơn mà trong toàn tỉnh trong rất nhiều năm nữa.
Bài, ảnh: Thái Học