Qua 4 năm thực hiện dự án, kết quả rõ nét nhất mà dự án mang lại là góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ mù lòa và kém thị lực của người lớn và trẻ em trong tỉnh thông qua việc cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt có chất lượng cao. Cũng từ việc được thụ hưởng dự án, hoạt động của một bệnh viện chuyên khoa về mắt tuyến tỉnh có thêm điều kiện và động lực để hình thành và sớm đi vào hoạt động thông qua hàng loạt các hoạt động trợ giúp đào tạo nhân lực, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị các bệnh về mắt...
Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2007, với dân số gần 900.000 người, Ninh Bình có khoảng 7.000 người mù và trên 12.000 người có thị lực thấp, trong đó bệnh đục thủy tinh thể có khoảng 5.000 người, số người mắc mới hàng năm khoảng 1.800 người. Tình hình tật khúc xạ trong học sinh có chiều hướng gia tăng, toàn tỉnh có khoảng 15% trẻ em trong độ tuổi học sinh THCS mắc tật khúc xạ nhưng chỉ có khoảng 1/2 trong số này được cấp đơn kính và đeo kính. Các dịch vụ chăm sóc tật khúc xạ học đường chưa được phát triển, nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc mắt cũng đã được triển khai nhưng do còn nhiều khó khăn về nguồn lực nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc mắt ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.
Khi dự án "Nâng cao năng lực chăm sóc mắt nông thôn" được triển khai, công tác chăm sóc mắt trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ các nội dung khá toàn diện. Trong hoạt động xây dựng mạng lưới và đào tạo cán bộ, đối với tuyến tỉnh, các bác sỹ được đào tạo các kỹ thuật mới như: phẫu thuật thủy tinh thể ngoài bao, phẫu thuật bằng phương pháp phacô, phẫu thuật dị tật mắt trẻ em, điều trị tật khúc xạ, phẫu thuật và điều trị lác, sụp mi... Nhiều bác sỹ được tham gia các lớp đào tạo ngắn ngày khá hiệu quả như: Bệnh viện bay, Hội nghị nhãn khoa quốc tế, các khóa về công tác truyền thông giáo dục quản lý, lập kế hoạch dự án... Đối với cán bộ y tế tuyến huyện, đã có 298 đối tượng là giáo viên, cán bộ y tế học đường được tập huấn về tật khúc xạ, cán bộ phụ trách công tác mắt của các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã được đào tạo về phẫu thuật quặm. Đối với tuyến cơ sở, mỗi trạm y tế đều có một cán bộ y tế xã, một nhân viên y tế thôn, bản được đào tạo về chăm sóc mắt ban đầu. Cùng với hỗ trợ về đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc mắt, 2 cơ sở nhãn khoa của tỉnh là Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội và Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được dự án cung cấp một số trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám và điều trị các bệnh về mắt như: Máy phacô, đèn sinh hiển vi khám bệnh, đèn sinh hiển vi phẫu thuật, máy laser YAG, máy siêu âm A, máy tập nhược thị, hệ thống máy mài kính, các dụng cụ phẫu thuật... Đối với các bệnh viện tuyến huyện cũng được trang bị đèn soi đáy mắt, đèn sinh hiển vi khám bệnh, hộp thử kính, bảng thị lực...
Với sự hỗ trợ tương đối toàn diện về trang thiết bị và đào tạo chuyên môn, hoạt động chăm sóc mắt trong tỉnh đã từng bước được củng cố và tăng cường, đáp ứng bước đầu nhu cầu chăm sóc mắt và khám, điều trị các bệnh về mắt của người dân trong tỉnh. Hàng năm, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội thường xuyên mở các đợt khám điều tra, phẫu thuật cho bệnh nhân đục thủy tinh thể, đối tượng ưu tiên là các bệnh nhân bị mù cả hai mắt, bệnh nhân thuộc hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được phẫu thuật miễn phí. Chất lượng phẫu thuật được đánh giá bằng thị lực sau mổ ngày càng cao.
Mỗi năm phẫu thuật cho khoảng 1.200 ca đục thủy tinh thể chủ yếu bằng phương pháp Phacô, trong đó tổ chức Orbis hỗ trợ 100 ca/năm. Năm 2011 đã phẫu thuật 1.345 ca; đã tổ chức khám sàng lọc phát hiện các bệnh về mắt cho 10.000 - 12.000 lượt người/năm. Trong 4 năm qua đã có 83.942 lượt học sinh ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh được kiểm tra thị lực và khám sàng lọc về tật khúc xạ, kê đơn kính cho 4.005 lượt học sinh và cấp 420 kính miễn phí...
Nhìn lại 4 năm thực hiện dự án, tổ chức Orbis đã hỗ trợ Ninh Bình khá hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống mù lòa nói riêng, trong công tác chăm sóc mắt nói chung. Bên cạnh đó, dự án đã góp phần không nhỏ bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở có thêm kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, điều trị các bệnh về mắt. Kết quả từ việc thực hiện dự án "Nâng cao năng lực chăm sóc mắt nông thôn" còn là tiền đề quan trọng để đưa Bệnh viện Mắt tỉnh được hình thành và đi vào hoạt động từ tháng 2-2010 với quy mô 50 giường bệnh, với 9 khoa, phòng và 60 cán bộ, nhân viên, là bệnh viện chuyên khoa mắt tuyến tỉnh đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, điều trị các bệnh về mắt của người dân trên địa bàn.
Lý Nhân