Trong những năm gần đây, những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh đã góp phần huy động tốt các nguồn lực để thực hiện mục tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch theo hướng tập trung vào những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh.
Năm 2014, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 17 bậc so với năm 2013. Với chủ trương "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp", tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh; giải quyết các thủ tục hành chính bằng cơ chế "một cửa", lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư lớn có tính chất vùng và quốc gia; tham gia nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư và hội chợ thương mại Quốc tế. Mặt khác, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 7 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch gần 1.400 ha; 7 khu du lịch trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống các nhà hàng, khách sạn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế của địa phương, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và sản xuất giống chất lượng cao; chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; ưu tiên các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, những dự án sử dụng lao động địa phương, nộp ngân sách cao; ưu tiên đầu tư hạ tầng khu, điểm du lịch, các dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao, các dự án sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và ưu tiên các dự án đầu tư có tính chất xã hội hóa vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội.
Chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, lợi thế cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: Thông qua các hội nghị, thông qua website Sở Kế hoạch và Đầu tư, Website của Trung tâm XTĐT và HTPTDN, tính đến hết 2015 đã có hơn 310 nghìn lượt người truy cập và phản hồi thông tin: đã công bố thông tin cho trên 500 doanh nghiệp trên Website của Trung tâm XTĐT và HTPTDN Ninh Bình.
Với nhiều giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư đến hết năm 2015, toàn tỉnh thu hút được 542 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký 105.180 tỷ đồng, trong đó có 41 dự án FDI với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD (19 dự án FDI ngoài KCN, 22 dự án FDI trong KCN với sự có mặt của nhà đầu tư đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Nhật, Đài Loan, ý, Hàn Quốc, Singapore, Brunei, Canada, Trung Quốc, Anh, Hồng Kông và Pháp. Có 7 dự án ODA đã được ký kết với tổng số vốn khoảng 2.120 tỷ đồng.
Từ kết quả đó, kinh tế tỉnh nhà luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giai đoạn 2006-2011 tăng GDP bình quân đạt 15,7%; giai đoạn 2011-2015 ước đạt 11,7%. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay đã trở thành địa phương có nền công nghiệp, du lịch phát triển, có cơ cấu kinh tế hợp lý.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (giá so sánh 2010) năm 2015 đạt trên 30,7 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2,3 lần so với năm 2010); giá trị dịch vụ giai đoạn 2011-2015 ước tăng 11,16%/năm, hoạt động ngoại thương có bước phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 830 triệu USD (gấp hơn 9 lần so với năm 2010), lượng khách du lịch đến Ninh Bình không ngừng tăng qua các năm, năm 2015 đạt 6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt, khách lưu trú đạt 1 triệu lượt.
Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đã sớm hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, góp phần quan trọng tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn, trong đó nổi bật là Nhà máy cán thép Kyoei; các nhà máy xi măng Tam Điệp, The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà; Nhà máy kính nổi Tràng An, Nhà máy Phân đạm, Nhà máy ô tô Thành Công, Nhà máy lắp ráp cần gạt nước, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử McNex... góp phần tăng trưởng chung cho ngành công nghiệp. Đến năm 2015 ước doanh thu của các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu đạt 27 triệu USD, giải quyết việc làm mới trên 2.000 lao động/năm.
Bên cạnh đó, các khu vui chơi, giải trí, khách sạn nhà hàng, khu nghỉ dưỡng đã có sức hấp dẫn du khách, số lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng lên hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thì bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục như: Nhiều dự án chưa thực sự mang lại hiệu quả, đóng góp ngân sách thấp, sử dụng ít lao động địa phương, sử dụng đất không hiệu quả, ảnh hưởng môi trường... Bản thân một số doanh nghiệp đầu tư chưa tập trung, số dự án có quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế - xã hội không cao còn nhiều. Tỷ trọng đầu tư vào ngành kinh tế chưa cân đối. Đầu tư phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng, số lượng du khách đến thì đông nhưng doanh thu còn thấp.
Một số dự án triển khai chậm hoặc không thực hiện đúng mục tiêu đề ra; một số cơ quan quản lý nhà nước chưa ý thức sâu sắc về công tác xúc tiến đầu tư nên chưa quan tâm đúng mức cho công tác này; ngoài ra còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, thiếu đội ngũ cán bộ giỏi về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao.
Trong thời gian tới, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá về những tiềm năng, lợi thế của tỉnh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó tập trung vào những lợi thế so sánh, những giá trị khác biệt của tỉnh, không những quảng bá lợi thế về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, mà còn về những cam kết, những dự án kêu gọi đầu tư sát thực và khả thi, những chính sách ưu đãi đầu tư riêng có của tỉnh, đặc biệt là những ưu đãi và hỗ trợ đầu tư với quan điểm chủ đạo, xuyên suốt là hội nhập và phát triển bền vững.
Xuân Tứ