Một ngày đầu tháng 7, tại xã Thạch Bình, khóa học bơi đầu tiên trong mùa hè 2016 dành cho hơn 30 học sinh THCS đã kết thúc trong niềm vui của trẻ và các bậc phụ huynh. Là địa phương có nhiều hồ, đập tự nhiên để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng những hồ, đập ấy cũng trở thành mối lo của mỗi phụ huynh về sự an toàn cho trẻ, nhất là vào các dịp hè, trẻ thường xuống hồ đập để tắm và tập bơi mà không có sự quản lý của người lớn. Những năm trước đây, hầu như dịp hè nào ở đây cũng xảy ra các vụ tai nạn đuối nước. Nhận thức rõ sự cần thiết của việc trang bị kỹ năng cho trẻ về phòng, chống đuối nước, thời gian qua, ngoài việc mở các lớp dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ tại cộng đồng, xã Thạch Bình đã có nhiều biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ như đẩy mạnh truyền thông về phòng tránh đuối nước; tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ trong dịp hè; phối hợp triển khai các hoạt động cải tạo môi trường, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em; vận động người dân sống ven khu vực sông suối hồ đập thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa lũ, địa phương đã tiến hành rà soát các khu vực nguy hiểm hoặc có nguy cơ tai nạn đuối nước để triển khai các giải pháp phòng ngừa; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát lắp đặt bổ sung các biển cảnh báo nguy hiểm đối với các vị trí đào hố sâu bị ngập nước… Từ các biện pháp phòng tránh đuối nước trên, tình trạng tai nạn đuối nước trên địa bàn giảm dần. Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, Thạch Bình chưa để xảy ra vụ tai nạn đuối nước nào. Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hơn 21 nghìn trẻ em. Trước thực trạng vẫn còn thiếu sân chơi cho trẻ, thời điểm nghỉ hè các gia đình đều lo lắng khi phải đối diện với những nguy cơ tai nạn thương tích thường xảy ra cho trẻ như: Tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, điện giật, súc vật cắn, ngã, ngộ độc… Trong các trường hợp tai nạn thương tích đó thì tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ lớn hơn và thường rơi vào nhóm trẻ dưới 14 tuổi. Qua khảo sát các vụ tai nạn đuối nước cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm, trong đó có sự bất cẩn và thiếu trách nhiệm của người lớn.
Nhiều gia đình do bất cẩn trong việc san lấp hố trong vườn sau khi sử dụng, không đậy nắp giếng, bể, hố ga; nhiều công trình xây dựng dở dang…đã vô tình để con em mình phải đối mặt với nguy hiểm. Bên cạnh đó, do đặc thù của Nho Quan là có nhiều ao hồ, sông…trong khi đó, hệ thống rào chắn bảo vệ, biển báo, biển cấm thì hầu như không có nên có nhiều nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em. Xác định được những nguyên nhân gây tai nạn thương tích trẻ em, thời gian qua, huyện Nho Quan đã tích cực triển khai mô hình "Phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ". Mô hình được triển khai nhằm mục đích nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ quản lý, cộng đồng, gia đình và trẻ em về phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ. Qua đó, đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ trẻ em bị thương tích.
Để mô hình được triển khai có hiệu quả, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em. Thông qua mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên cơ sở thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp qua các hình thức như pano, áp phích… đến cộng đồng dân cư, các trường học; đẩy mạnh truyền thông cấp xã, hỗ trợ xây dựng biển báo, biển cấm tại các ao hồ có nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em. Huyện còn hỗ trợ mở lớp tập bơi cho trẻ; tổ chức hội thi vẽ tranh về "Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em". Huyện còn vận động các cán bộ, đảng viên, nhân dân, đơn vị ký cam kết thực hiện xây dựng "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn"… để tạo tiền đề cho công tác xây dựng cộng đồng an toàn; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phòng chống tai nạn thương tích tại địa bàn dân cư. Các trạm Y tế xã đã củng cố các phương tiện, trang thiết bị để xử lý kịp thời các tai nạn thương tích xảy ra trên địa bàn. Nhờ những hoạt động truyền thông tích cực này, đến nay, toàn huyện có hàng nghìn gia đình ký cam kết "Ngôi nhà an toàn" cho trẻ, 100% các trường học ký cam kết xây dựng "Trường học an toàn" cho trẻ. …
Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan khẳng định: Trong thời gian tới, để xây dựng thành công cộng đồng an toàn, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong việc phòng chống tai nạn thương tích, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, để làm được điều đó, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em. Và quan trọng hơn nữa, các bậc phụ huynh cần quản lý, giám sát thường xuyên hơn về địa điểm, thời gian cũng như các loại hình hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè.
Nguyễn Hùng