Là một trong những hộ đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, bà Bùi Thị Tuyết, thôn Quảng Mào, xã Thạch Bình cho biết: Từ năm 2009, gia đình bà nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ 2,4 ha rừng. Gia đình bà chủ yếu trồng cây keo tai tượng để làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ ép. Do trồng đúng quy trình kỹ thuật, lại thường xuyên được chăm sóc, bảo vệ và tỉa thưa hợp lý nên chỉ sau 3 năm, diện tích rừng trồng mới với hàng nghìn cây keo của gia đình đã cao từ 12-15m/cây. Ngoài trồng rừng, tận dụng diện tích đất rộng quanh nhà, gia đình bà còn nuôi bò, gà, ngan và làm thêm 4 sào ruộng. Thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng từ cắt tỉa cây con, từ chăn nuôi đã giúp gia đình bà Tuyết có cuộc sống ổn định, nuôi các con ăn học đầy đủ. Đặc biệt, chỉ vài tháng nữa, 2,4 ha keo tai tượng sẽ cho thu hoạch gần 300 triệu đồng, là nguồn thu đáng kể giúp gia đình bà trở nên khá giả trong thôn, trong xã. Bà Tuyết cho biết: Thực tế trồng rừng cũng không quá vất vả, mỗi năm chỉ cần bón phân cho cây 1-2 lần, đồng thời định kỳ cắt tỉa cây dầy, cây con bán làm nguyên liệu giấy, đảm bảo cho cây phát triển đúng mật độ, kích cỡ, khi đủ tuổi xuất bán sẽ được giá. Từ trồng rừng, không chỉ gia đình bà mà nhiều gia đình khác trong thôn Quảng Mào đã và đang dần có cuộc sống ổn định, khá giả. Đồng chí Đinh Ngọc Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Là xã vùng cao của huyện Nho Quan, hiện Thạch Bình có trên 1.000 ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất là 600 ha, còn lại là rừng phòng hộ và rừng khoanh nuôi núi đá. Nhiều năm trước, Thạch Bình là xã khó khăn của huyện Nho Quan. Rừng thì nhiều nhưng dân lại nghèo, vì nghèo nên nhiều người dân sống bằng "nghề" phá rừng, phá rừng để mua gạo, quần áo, để đóng tiền học cho con…
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo Chương trình 661 (nay là Chương trình Bảo vệ và phát triển rừng bền vững), xã Thạch Bình được chuyển đổi trên 600 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Khi mới triển khai dự án, Thạch Bình gặp nhiều khó khăn, vì lúc đó, bà con không có thói quen trồng rừng nên khi giao đất, giao rừng, nhiều người không nhận. Trước thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động, tuyên truyền đến tận người dân và nhiều cán bộ, đảng viên đã xung phong là người gương mẫu làm trước. Kết quả có hơn 200 hộ dân nhận khoán trồng trên 600 ha rừng, hộ ít vốn thì nhận 1 ha, có hộ nhận 2-3 ha, hộ nhiều nhận trồng hàng chục ha rừng.
Việc chuyển đổi này đã giúp người dân nâng cao trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Người dân Thạch Bình từ biết dựa vào rừng để sống, nay lại làm cho rừng sinh sôi. Được giao đất, giao rừng, các hộ đã tập trung khoanh nuôi, bảo vệ và trồng cây lấy gỗ, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nhiều cánh rừng sau khi chuyển đổi được chăm sóc, bảo vệ nên đã phát triển tốt. Ngoài trồng cây keo tai tượng, người dân có rừng còn kết hợp trồng cây ăn quả lưu niên, chăn nuôi nhiều loại con nuôi để lấy ngắn nuôi dài, tận thu được các nguồn lợi từ rừng đem lại như: nuôi ong, nuôi bò, nuôi gà…
Nhiều cánh rừng trồng keo tai tượng chỉ mới trồng được 5-7 năm nhưng do được chăm sóc, bảo vệ đúng nên đã phát triển tốt. Chỉ trong vài năm tới, các hộ gia đình trồng rừng sẽ có thu hoạch khoảng 160 triệu đồng/ha… Từ trồng rừng, đa số người dân đã có cuộc sống no ấm, ổn định.
Đến các xã có rừng của Nho Quan hôm nay, một màu xanh ngút ngàn của cây rừng như trải dài vô tận, thể hiện sự trù phú, giàu có nguồn lợi từ thiên nhiên ban tặng và do con người tạo ra. Đó là những cánh rừng trồng tràm, keo, cây bản địa tươi tốt, những khu rừng tái sinh trải rộng, xanh mướt. Toàn huyện hiện có hơn 18.300 ha rừng, trong đó có 11.350 ha rừng đặc dụng, gần 3.200 ha rừng phòng hộ và trên 2.800 ha rừng sản xuất. Cơ cấu tài nguyên rừng đa dạng, phân bố trên địa bàn 17 xã trong huyện với chủ yếu là rừng trồng và rừng khoanh nuôi trên núi đá. Để có được một màu xanh trù phú như hôm nay là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả, huyện Nho Quan đã phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm tốt công tác xã hội hóa nghề rừng.
Là đơn vị chủ quản, trực tiếp triển khai thực hiện Dự án 661, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Dự án 661 trên địa bàn với mục tiêu: ngăn chặn có hiệu quả việc chặt phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép; giao khoán, hỗ trợ nhân dân bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng sản xuất và trồng rừng phòng hộ; triển khai đồng bộ các biện pháp khuyến lâm, tuyên truyền hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng rừng; khoanh nuôi, tái sinh rừng; thành lập, xây dựng các trạm bảo vệ rừng, phấn đấu mỗi năm tăng 2 - 3% độ che phủ rừng. Đặc biệt, Dự án đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân một cách bền vững và hiệu quả.
Để thực hiện thành công Dự án, huyện Nho Quan đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là công tác khoán rừng được quy định cụ thể trong các hướng dẫn thực hiện Dự án 661. Người dân được nắm rõ quyền, nghĩa vụ của người nhận khoán; điều kiện tham gia nhận khoán; những người cư trú tại địa bàn triển khai Dự án sẽ được ưu tiên tham gia thực hiện Dự án…
Triển khai thực hiện Dự án rõ ràng, cụ thể thì người dân sẽ nâng cao trách nhiệm thực hiện Dự án. Bên cạnh đó, UBND huyện Nho Quan chỉ đạo các cơ quan chức năng: Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền tới các thôn, bản Luật Bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng.
Đến năm 2003, trên địa bàn huyện có 100% thôn, bản, đội sản xuất xây dựng và triển khai thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng, củng cố, kiện toàn 17 ban chỉ đạo bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã; đồng thời giao nhiệm vụ cho Công an khu vực tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, vận động nhân dân phát giác, tố giác các hành vi chặt, phá rừng…
Sau gần 15 năm triển khai Dự án 661 (nay là Chương trình Bảo vệ và phát triển rừng bền vững), trên địa bàn huyện Nho Quan đã có hàng nghìn hộ đăng ký trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Đến nay, Nho Quan đã chuyển đổi khoảng 4.000 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, đạt trên 80% kế hoạch. Toàn huyện đã trồng mới được hơn 20 ha rừng phòng hộ, gần 400 ha rừng sản xuất; bảo vệ khoanh nuôi gần 3.000 ha rừng tái sinh; ngoài ra, người dân còn trồng hàng triệu cây phân tán các loại; chu kỳ cây trồng được rút ngắn từ 10 năm xuống còn 7 - 8 năm so với trước đây…
Có thể khẳng định, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đang là một hướng đi tích cực mang lại lợi ích nhiều mặt cho người dân, việc giao rừng sản xuất đã đáp ứng được nguyện vọng của người nhận rừng. Rừng sản xuất không những phát huy được vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi sinh, môi trường mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn…
Huy Hoàng