Tại xã Mai Sơn, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Thanh Xuân hình thành mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới. Với quy mô diện tích hơn 3.000m2 được chia thành 16 lô đất, trồng các loại rau, quả thông dụng như: cải bắp, xà lách, cà chua....
Nhiều giống rau có xuất xứ trong nước, cũng có loại giống được nhập khẩu từ Nhật Bản như giống xà lách xoăn xanh. Bao quanh diện tích hơn 3.000m2 này là một hệ thống nhà lưới khép kín.
Hai cửa ra vào khu mô hình luôn luôn đóng kín, thường chỉ mở 1-2 lần vào đầu và cuối ca làm việc hoặc đột xuất có đoàn khách tham quan. ông Trần Bùi Kim Phước, Giám đốc Công ty cho biết: Việc hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa không gian trong nhà lưới với không gian bên ngoài sẽ giúp giảm thiểu sự phát triển của sâu bệnh.
Tại đây, chúng tôi có đầy đủ hệ thống phun nước tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống đèn bắt bướm, đồng thời phục vụ công việc thu hoạch nông sản.
Mỗi lô đất trồng một loại rau khác nhau, phân công cho một công nhân chăm sóc, theo dõi và thu hoạch. Để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho cây rau, việc xử lý nấm đã được tiến hành ngay từ khâu làm đất. Sau đó, đất được bón lót bằng loại phân bón vi sinh chất lượng cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Khi cây rau giống được gieo trồng, việc quan trọng nhất là đảm bảo về cự ly, khoảng cách giữa các hàng, giữa các cây rau, tạo không gian sinh trưởng thuận lợi nhất.
Trong quá trình cây rau sinh trưởng và phát triển, một hỗn hợp gồm: tỏi, sả, ớt và rượu ngâm được trộn lẫn, pha chế ở liều lượng hợp lý rồi đem phun thay thế thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Phước, từ những phương pháp canh tác khoa học kể trên cộng với hệ thống nhà lưới khép kín xung quanh có thể ngăn cản khoảng 70% sâu bệnh.
Đặc biệt, các giống rau trong mô hình nhà lưới cho năng suất cao, gấp từ 3 - 4 lần so với phương pháp canh tác thông thường. Hơn nữa, đây là nông sản sạch do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong gieo trồng.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm từng bước nâng cao khối lượng, chất lượng sản phẩm, tiến tới sản xuất sản phẩm hàng hóa an toàn phục vụ chế biến và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị đất canh tác.
Năm 2016, Trung tâm đã đề xuất và báo cáo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho phép Trung tâm được nhận chuyển giao sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tại địa bàn tỉnh, Trung tâm đã triển khai thực hiện 3 mô hình với phương pháp canh tác, sản xuất trong các môi trường khác nhau.
Bao gồm: Mô hình sản xuất rau an toàn có giá trị kinh tế cao, được ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới kín; mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nhà lưới đơn giản; mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ tiên tiến. Hình thức thực hiện là sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp với người dân.
Trong đó, Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện chuyển giao kỹ thuật, vật tư sản xuất và triển khai thực hiện mô hình. Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chi phí xây dựng nhà lưới.
Ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định: Qua đánh giá bước đầu cho thấy, mô hình sản xuất rau trong nhà lưới khép kín cho hiệu quả vượt trội so với phương pháp canh tác thông thường. Năng suất các loại cây trồng cao hơn từ 3 đến 4 lần.
Với hệ thống lưới quây kín diện tích gieo trồng, lượng sâu bệnh giảm thiểu rõ rệt. Chi phí đầu tư xây dựng nhà lưới khép kín cho diện tích mô hình 3.000m2 là khoảng 250 triệu đồng.
Đây là số tiền lớn nhưng không phải là khoản chi phí quá cao đối với những ưu điểm vượt trội cũng như năng suất mà phương thức canh tác này đem lại. Trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai nhân rộng mô hình nhà lưới khép kín, đồng thời sẵn sàng phối hợp, giúp đỡ các doanh nghiệp mong muốn "sở hữu" kỹ thuật này để đầu tư sản xuất.
Bài, ảnh: Thái Học