Trong vụ Đông xuân 2017, Doanh nghiệp Tuyết Lưu, Viện Khoa học - Kĩ thuật, Viện Cây trồng (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Công ty cổ phần phân bón hữu cơ AVI miền Bắc hỗ trợ 100% giống lúa, phân bón để sản xuất khảo nghiệm tại đồng đất xã Chất Bình (Kim Sơn). Trong đó, giống lúa T49-1 được khảo nghiệm với diện tích 1,2ha. Sau thời gian sinh trưởng kéo dài 4 tháng, kết quả về năng suất và chất lượng gạo được đánh giá khá khả quan.
Lãnh đạo xã Chất Bình cho biết, giống lúa T49-1 được ngâm giống từ ngày 12/2. Sau khi xử lý nấm bệnh và kích thích nảy mầm, ngày 17/2 được tiến hành gieo thẳng hạt giống. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển có phun phân bón AVI 9 lần và phun thuốc trừ cỏ 1 lần. Thời gian sinh trưởng của giống lúa T49-1 là 120 ngày, dài hơn giống lúa DM58, Bắc thơm số 7 là 5-7 ngày. Năng suất tại mô hình khảo nghiệm cho thu hoạch từ 230-250 kg/sào, tương đương với khoảng 63 tạ/ha.
Theo đánh giá, giống lúa T49-1 là giống lúa thuần thích ứng cấy 2 vụ/năm ở vùng đất Kim Sơn nói chung và Chất Bình nói riêng, năng suất cao, ổn định, chất lượng gạo ngon, là giống lúa chất lượng cao.
Không chỉ có vậy, điều tạo nên sự khác biệt của giống lúa T49-1 còn ở khả năng kháng bệnh bạc lá - một loại bệnh nguy hiểm trên cây lúa. Tiến sĩ Tống Văn Hải, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những nhà nghiên cứu tham gia lai tạo giống lúa này.
Ông Hải cho biết: Bệnh bạc lá lúa là một loại bệnh rất đang phổ biến và gây tác hại nghiêm trọng hầu hết ở các nước, trung bình giảm 6-60% năng suất, tăng tỷ lệ hạt lép. ở nước ta, bệnh cũng đã gây hại nghiêm trọng và đặc biệt trên các giống lúa lai. Nguyên nhân khiến lúa bị nhiễm bệnh bạc lá có thể do giống lúa, biện pháp canh tác, làm đất.
Thêm vào đó, bệnh thường mẫn cảm với lượng đạm dư trong lá, những ruộng bón đạm nhiều, bón muộn, bón lai rai, bón không cân đối giữa đạm, lân và kali, những ruộng trũng dồn đạm cuối vụ, do biện pháp thâm canh gieo cấy, chăm bón không đúng kỹ thuật. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa to gió lớn xảy ra trong thời kỳ lúa cần quang hợp cao cũng là nguyên nhân khiến lúa nhiễm bệnh.
Vì thế, một trong những định hướng về phát triển lúa lai ở nước ta là chọn tạo giống lúa kháng bệnh bạc lá. Giống lúa T49-1 được lai và chọn tạo từ tổ hợp lai Bắc thơm 7 và dòng IRBB4/7 - dòng gen chuẩn kháng bệnh bạc lá.
Cây lúa giống T49-1 cao khoảng 95-100cm, thân cứng, bộ lá khỏe, phù hợp với nhiều chất đất. Đẻ nhánh trung bình, số nhánh và số bông hữu hiệu trên khóm cao. Bông to, số hạt trên bông khoảng 180-220 hạt trên bông. Thóc màu vàng sẫm, hơi có râu đầu hạt, gạo thon dài, không bạc bụng, cơm mềm, đượm và thơm. Năng suất trung bình đạt từ 60-65 tạ/ha/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 70 tạ/ha/vụ.
Trong điều kiện thực hiện mô hình khảo nghiệm, các kỹ sư nông nghiệp cùng với người nông dân đã thử nghiệm chỉ sử dụng các loại phân bón vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học, đảm bảo quy trình sản xuất gạo sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Qua mô hình khảo nghiệm trên tại xã Chất Bình, có thể thấy giống lúa T49-1 có tiềm năng để trở thành một trong những giống lúa chủ lực trong tương lai với năng suất cao và chất lượng tốt. Thành công bước đầu đó có thể trở thành tiền đề cho sự phát triển của một thương hiệu gạo sạch trong tương lai.
Để thực hiện được điều đó rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành cùng chung tay với địa phương trong việc phát triển các vùng sản xuất lúa chuyên canh, tạo điều kiện để xây dựng chuỗi sản xuất - cung ứng nhằm thu về giá trị lợi nhuận cao. Đây cũng chính là mục tiêu mà đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra.
Bài, ảnh: Thái Học - Đức Lam