Tham gia buổi đánh giá kết quả mô hình đầu bờ ở xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, bà con nông dân đều phấn khởi và kỳ vọng vào loại phân bón mới là phân viên nén nhả chậm. ông Đinh Văn Phi, thôn Thạch Lỗi cho biết: Các vụ lúa trước, gia đình tôi thường sử dụng loại phân thông thường để bón cho lúa.
Với loại phân này, tôi phải bón tới 40kg/sào và bón làm 3 lần ở 3 giai đoạn: bón thúc, bón lót và bón đón đòng. ở vụ mùa năm 2016, gia đình tôi được chọn làm mô hình khảo nghiệm phân viên nén nhả chậm trên cây lúa với diện tích 2 sào. Dùng phân viên nén nhả chậm chỉ cần bón 15-16kg/sào và rắc tập trung 1 lần. Như vậy đã giảm rất nhiều công bón phân cho lúa và chi phí giảm 40-50 nghìn đồng/sào.
Qua theo dõi, cây lúa được bón phân viên nén nhả chậm có bộ lá khỏe, đẻ nhánh tập trung, ít sâu bệnh, hạt chắc, mẩy, ít lép và năng suất cao hơn so với bón phân thông thường.
Bên cạnh đó, lúa ít sâu bệnh cũng giảm chi phí phun trừ, giảm thiểu tác động tới môi trường. ở vụ này, cùng giống Khang Dân nhưng diện tích được bón phân viên nén nhả chậm chỉ phải phun trừ sâu bệnh 2 lần nhưng diện tích đối chứng phải phun tới 4 lần.
Cũng là đơn vị được chọn làm mô hình khảo nghiệm phân viên nén nhả chậm, HTX nông nghiệp Hoàng Sơn, xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) đã thu được kết quả tốt. Bà Lê Thị Thúy Diễm, Giám đốc HTX đánh giá: Trên diện tích bón phân viên nén nhả chậm khảo nghiệm, HTX đã áp dụng biện pháp cấy hàng biên và bón 16kg phân/sào. So sánh với diện tích đối chứng ngay bên cạnh, cùng loại giống thì phân viên nén nhả chậm cho hiệu quả cao hơn.
Quá trình sinh trưởng và phát triển thuận lợi, cây cứng, bộ lá đòng đẹp và năng suất đạt 216kg/sào cao hơn 24kg/sào, so với đối chứng. Bón loại phân này còn hạn chế được sâu bệnh, cỏ dại và rửa trôi đất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Theo ông Vũ Văn Cung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Phân viên nén nhả chậm là loại phân bón được sản xuất nhờ sự chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho Công ty Công nghệ phát triển Xanh và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích sử dụng. Sau khi sản xuất, phân viên nén nhả chậm được đưa vào sử dụng thử nghiệm ở nhiều tỉnh và được đánh giá cao.
Với tính năng ưu việt đó, vụ mùa năm 2016, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Công ty Công nghệ phát triển nông nghiệp Xanh triển khai thí điểm mô hình sử dụng phân viên nén nhả chậm cho cây lúa ở 10 HTX trên địa bàn tỉnh. Sau khi cơn bão số 1 làm thiệt hại nhiều diện tích lúa của xã Khánh Dương, Công ty tiếp tục hỗ trợ 1 tấn phân viên nén nhả chậm để bón trên diện tích 62,5 sào lúa cấy lại tại 2 HTX Liên Dương và Tam Dương.
Như vậy có thể đánh giá, phân viên nén nhả chậm phù hợp cho cây lúa, sinh trưởng, phát triển tốt, thích ứng với điều kiện thời tiết, đất đai và trình độ thâm canh tại địa phương trên địa bàn tỉnh. Bón phân viên nén nhả chậm hiệu quả hơn so với cách bón phân truyền thống, nông dân chỉ bón 1 lần cho cả vụ, do đó không bị mất dinh dưỡng do rửa trôi hoặc bay hơi. Việc sử dụng phân viên nén nhả chậm giúp cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, năng suất cao. Bên cạnh đó còn giảm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và tăng năng suất, dẫn đến tăng thu nhập cho nông dân.
Thời gian tới Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với Công ty Công nghệ phát triển nông nghiệp Xanh mở rộng mô hình sử dụng phân viên nén nhả chậm ra các huyện, thành phố và sử dụng cho các đối tượng cây trồng khác như: rau, hoa, cây ăn quả… trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cung cấp quy trình hướng dẫn kỹ thuật và tiếp tục triển khai các mô hình ở các đơn vị khác về thí điểm bón phân viên nén nhả chậm trên cây lúa cho các hộ dân.
Giáng Hương