Mục đích là nhằm hỗ trợ bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống còn nhiều khó khăn của người dân địa phương, giảm áp lực vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện xây dựng mô hình từ cuối tháng 8 năm 2015, tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp thôn, tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê các thông tin cơ bản tại thôn Đá Hàn và thấy rằng người dân chăn nuôi gia súc ở đây, đặc biệt là đàn trâu, bò còn gặp nhiều khó khăn về nguồn thức ăn có năng suất, hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo.
Từ những khó khăn đó, nhóm công tác của BQL đã thống nhất và tư vấn giúp bà con nông dân lựa chọn và xây dựng mô hình nông lâm kết hợp với các cây trồng gồm: cỏ VA06, bưởi diễn và cây sưa cho 24 hộ gia đình tham gia. Trong đó, trồng cỏ VA06 là chủ đạo để đáp ứng nhu cầu về nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò của người dân địa phương.
Tổ công tác đã xây dựng dự toán với tổng nguồn kinh phí thực hiện mô hình là 62 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Gồm giống cây trồng hỗ trợ 100%, phân hóa học hỗ trợ 35% và tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch,… các hộ gia đình tham gia mô hình đối ứng bằng công lao động, phân chuồng và 65% phân hóa học.
Từ những ngày đầu thực hiện xây dựng mô hình, bằng sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, tổ công tác đã bám sát nhiệm vụ được giao, giúp đỡ, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc thành công cơ cấu cây trồng trong mô hình, đạt tỷ lệ sống bình quân trên 93,5%.
Sau gần ba tháng triển khai thực hiện xây dựng mô hình, BQL đã tiến hành đánh giá, cho kết quả là: Sản lượng cỏ VA06 bình quân thu được đạt 70 tấn/ha cho lần cắt đầu tiên, tương đương với sản lượng bình quân 420 tấn/ha/năm. Như vậy, so với sản lượng trung bình theo lý thuyết 1 năm đạt từ 250-320 tấn/ha thì giá trị sản lượng cỏ VA06 của mô hình vượt 100 tấn/ha/năm.
Bước đầu đánh giá mô hình cơ bản thực hiện thành công đã đem lại niềm tin cho bà con nhân dân địa phương qua sản phẩm thực tế thu hoạch cỏ VA06 lần đầu về năng suất và chất lượng. Ông Đinh Văn Hồng và ông Nguyễn Văn Phúc là đại diện 2 hộ tham gia mô hình cho biết: Hiện các hộ khác trong thôn đang mong chờ lấy giống loài cỏ VA06 này và sẽ dần thay thế các giống cỏ kém giá trị khác. Ông Phúc khẳng định sẵn sàng chia sẻ, cung cấp giống miễn phí cho bà con nông dân trong thôn để nhân rộng giống cỏ VA06 có giá trị này.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, các hộ tham gia mô hình tính toán: Một người dân bình quân mất khoảng 3 giờ để đi cắt cỏ cho 1 con bò hoặc trâu. Số giờ này sẽ tăng lên nếu số lượng là 2, 3 con trâu, bò hoặc sẽ mất cả ngày công lao động để chăn, dắt bò đi ăn cỏ mà giá trị dinh dưỡng của thức ăn khi đi chăn, dắt lại không cao, dẫn đến khả năng sinh trưởng và chất lượng đàn trâu, bò sẽ kém hiệu quả.
Khi trồng cỏ VA06, bình quân mỗi ngày người dân chỉ mất khoảng 1 giờ để chăm sóc, thu hoạch. Như vậy, sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian để người dân làm các công việc khác và giá trị dinh dưỡng của loài cỏ VA06 mang lại cao.
Mô hình bước đầu thành công đã giải quyết được nhu cầu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giải quyết tốt vấn đề cung cấp thức ăn trong chăn nuôi ở địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương. Từng bước gắn trách nhiệm của người dân địa phương tham gia thực hiện mô hình và cộng đồng với công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Mặt khác, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đây chính là hiệu quả về mặt xã hội - môi trường mà mô hình mang lại.
Phạm Văn Dũng
(Phó Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long)