Ông Đinh Trọng Nguyên, một người dân phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Tôi tìm hiểu nhận thấy, khi thực hiện thông tuyến tỉnh, người tham gia BHYT có nhiều thuận lợi khi được điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tương đương mà vẫn được chi trả 100% chi phí điều trị.
Hơn nữa, người bệnh được lựa chọn nơi KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, đòi hỏi các cơ sở KCB phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, tạo sự hài lòng cho người đến KCB. Chính sách mới về BHYT này đã mở rộng và tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt hơn...
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Tại Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014, quy định: Người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được Quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2021 trong phạm vi cả nước.
Như vậy có thể hiểu, trước ngày 1/1/2021, người dân có thẻ BHYT khi đi KCB tại các Bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi KCB trái tuyến và chỉ được Quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng.
Còn kể từ thời điểm 1/1/2021 trở đi, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Cho dù thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu là tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng khi tự đến điều trị nội trú tại Bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến.
Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT cũng quy định, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.
Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng quy định về giới hạn và quyền lợi của mình để tránh gây ra tình trạng bệnh nhân từ các địa phương đổ xô đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Điều này vô tình đẩy nhiều bệnh viện tuyến tỉnh vốn đã quá tải vào thế khó trong khâu tiếp nhận, giảm chất lượng khám chữa bệnh; đồng thời còn khiến chính bệnh nhân phải chờ đợi lâu, tốn kém chi phí, thời gian, công sức đi lại.
Như vậy quy định này chỉ áp dụng với bệnh nhân điều trị nội trú (nhập viện điều trị). Còn nếu đi khám bệnh, điều trị ngoại trú tuyến tỉnh thì Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả mà người bệnh sẽ phải tự chi trả...
Cũng theo bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, người có thẻ BHYT tự đi KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng như trường hợp đúng tuyến. Hiện nay, mức hưởng BHYT khi KCB đúng tuyến được quy định tại Điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi 2014 như sau: 100% chi phí KCB: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở… 95% chi phí KCB: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo… và 80% chi phí KCB cho các đối tượng khác.
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, nếu người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh thuộc trường hợp trái tuyến thì: Đối tượng hưởng 100% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú; Đối tượng hưởng 95% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 95% chi phí điều trị nội trú; Đối tượng hưởng 80% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 80% chi phí điều trị nội trú.
Như vậy, không phải ai cũng được thanh toán 100% tiền điều trị nội trú khi đi KCB trái tuyến tỉnh. Chỉ những người được hưởng 100% chi phí KCB đúng tuyến mới được thanh toán toàn bộ chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh. Các đối tượng khác hưởng theo mức đúng tuyến của mình.
Theo Công văn số 4055/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23/12/2020, người bệnh điều trị nội trú trái tuyến tỉnh sẽ không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB để xem xét hưởng 100% chi phí KCB với người tham gia BHYT 5 năm liên tục. Đồng thời, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Vì vậy, để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó có quyền lợi không phải đồng chi trả đối với các chi phí KCB, cơ quan BHXH khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.
Có thể nói, quy định thông BHYT tuyến tỉnh là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT, bởi khi quyền lợi được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT, người dân sẽ tích cực tham gia. Tuy nhiên, cũng cần tính đến việc có thể xảy ra tình trạng quá tải đối với bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh khi thực hiện quy định mới này.... Từ đó, đòi hỏi người dân phải nắm rõ các quy định về liên thông tuyến tỉnh khi đi khám, chữa bệnh, tránh tình trạng phải chờ lâu, tốn kém chi phí, thời gian, công sức đi lại.
Bài, ảnh: Hạnh Chi