Phóng viên: Thưa bác sĩ, các trường hợp bắt buộc, yêu cầu phải cách ly y tế được hiểu như thế nào?
Thạc sĩ Lê Hoàng Nam: Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, hiện có 3 hình thức cách ly, bao gồm: Cách ly tại cơ sở y tế; cách ly tại khu cách ly tập trung và cách ly tại cộng đồng. Theo đó, đối với các trường hợp được xác định là F0, F1 sẽ thực hiện cách ly tại các cơ sở y tế; các trường hợp F2 được cách ly tại nhà, nơi cư trú (khi F2 xuất hiện một trong các triệu chứng: sốt, hoặc ho, hoặc đau họng, hoặc khó thở thì được đưa đến cơ sở y tế cách ly). Còn các trường hợp F3, F4 trở lên sẽ tự theo dõi sức khỏe, thường xuyên liên hệ với các cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe của mình.
Người bắt buộc phải cách ly tập trung gồm người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 (theo thông tin từ Bộ Y tế); người tiếp xúc gần với các trường hợp xác định mắc bệnh mà không được bảo hộ đầy đủ. Người cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định, người tiếp xúc gần với các trường hợp thuộc diện cách ly tập trung đang có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra, còn có các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh thì Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn tiếp theo.
Với các biện pháp cách ly hiện nay, đặc biệt là cách ly tại nhà theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chính là biện pháp giúp cơ quan y tế phát hiện sớm nhất những trường hợp đã từng tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh, hạn chế tối đa mầm bệnh phát tán ra môi trường cũng như cộng đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các biện pháp cách ly nếu được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả sẽ là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, là điều kiện tiên quyết để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng.
Phóng viên: Trong quá trình cách ly, các đối tượng phải chấp hành những quy định như thế nào, thưa bác sĩ?
Thạc sĩ Lê Hoàng Nam: Đối với các trường hợp cách ly tại cơ sở y tế thì phải thực hiện theo các yêu cầu của đơn vị y tế. Còn đối với hình thức cách ly tập trung thì người được cách ly phải chấp hành đúng các quy định, vệ sinh cá nhân thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tối đa tiếp xúc với những người cùng cách ly. Mỗi ngày họ được đo nhiệt độ ít nhất 2 lần, nếu có một trong các dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở… phải kịp thời báo cho nhân viên y tế.
Họ phải hạn chế ra khỏi phòng tiếp xúc với người khác, tuyệt đối không ăn chung, ngủ chung, sử dụng vật dụng chung (như bát, đĩa, ly, muỗng, bàn chải đánh răng…). Trong quá trình cách ly tập trung, cần lưu ý không được tụ tập nói chuyện, tổ chức trò chơi trong phòng, hành lang, ngoài sân ở khu cách ly. Các vật dụng vệ sinh hàng ngày phải được phân loại theo nhóm chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.
Đối với các trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú, tốt nhất nên cách ly ở một phòng riêng. Nếu không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác ít nhất 2m. Mọi tiếp xúc với người đang được cách ly cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Và một điều vô cùng quan trọng là người cách ly phải được bảo đảm chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tập luyện thể dục đầy đủ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Cả hai đối tượng cách ly tập trung và cách ly tại cộng đồng đều phải cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm. Gia đình và cộng đồng cần cố gắng động viên, chia sẻ với người được cách ly, cùng an tâm, tin tưởng và hợp tác để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, vi rút SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan trong cộng đồng rất nhanh, do đó, việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Vậy người dân có các triệu chứng như thế nào và thời điểm nào thì cần làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2?
Thạc sĩ Lê Hoàng Nam: Việc chỉ định xét nghiệm Covid-19 rất chặt chẽ theo quy định của Bộ Y tế. Nếu bệnh nhân bị cảm, ho, sốt mà có yếu tố dịch tễ như tiếp xúc gần (trong vòng 2m) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh Covid-19, có tiền sử đi/đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, hoặc các dấu hiệu viêm phổi thì bệnh nhân nên đi khám và làm xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.
Còn mọi người chỉ thấy mình bị cảm, ho, sổ mũi thông thường và không có yếu tố dịch tễ thì chỉ cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được y, bác sĩ khám bệnh như thông thường. Trong quá trình khám sàng lọc, nếu các y, bác sĩ thấy có nghi ngờ trường hợp nào thì sẽ có chỉ định tiến hành các bước xét nghiệm Covid-19 tại những cơ sở y tế đúng chức năng. Hiện nay, các y, bác sĩ ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh đều được ngành Y tế tập huấn rất kỹ để đối phó với dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Về thời điểm để xét nghiệm virus SARS-CoV-2, để đảm bảo chính xác nhất, thì cần nắm được, virus SARS-CoV-2 khi vào cơ thể chúng ta khu trú ở hầu họng, có một số nhất định vào trong máu, một số sử dụng tế bào của đường hô hấp nhân lên và phát tán ra. Không bao giờ có chuyện một bệnh nhân vừa nhiễm virus vào cơ thể, lấy mẫu xét nghiệm mà đã cho kết quả dương tính (có bệnh). Phải đủ thời gian, virus mới xâm nhập và nhân lên, phát tán. Thời gian này phụ thuộc vào từng người.
Cần phải hiểu, xét nghiệm Covid-19 là tìm virus trong cơ thể, vì vậy khi nồng độ virus đạt ngưỡng tiêu chuẩn mới phát hiện là dương tính. Thời điểm xét nghiệm sớm là từ 3 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, tốt hơn là sau 7-10 ngày (đa số nếu nhiễm đã cho kết quả dương tính). Do vậy, nhiều trường hợp có tiếp xúc gần với những trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì chúng tôi cũng phải đảm bảo thời gian để nồng độ virus đạt ngưỡng tiêu chuẩn thì mới có thể làm xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất.
Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính có nghĩa là người được xét nghiệm không có khả năng gây bệnh cho người khác tính từ lúc lấy mẫu trở về trước. Do vậy, với trường hợp F1 âm tính thì các trường hợp F2 không cần thực hiện xét nghiệm, mà được thông báo và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Phóng viên: Hiện nay, việc xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 được thực hiện ở đâu? Quy trình xét nghiệm và các chi phí cho người mắc bệnh được điều trị thực hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
Thạc sĩ Lê Hoàng Nam: Hiện nay, tại tỉnh Ninh Bình chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thực hiện được xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Đây là phòng xét nghiệm An toàn sinh học Cấp II+.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (Real Time PCR), theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19 phải được thu thập bởi các nhân viên y tế đã được tập huấn về an toàn sinh học. Bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, dịch nội khí quản, dịch màng phổi... được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.
Một mẫu xét nghiệm Covid-19 bao gồm nhiều quy trình chặt chẽ. Quy trình xét nghiệm gồm có: Nhận mẫu, kiểm tra thông tin, nhập hệ thống quản lý; xử lý mẫu; tách chiết vật liệu di truyền; chuẩn bị hỗn hợp phản ứng cho một quy trình RT-PCR chuyên môn phức tạp để ra kết quả. Với quy trình này, mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm được khoảng 100 mẫu. Mỗi mẫu được hoàn thiện trong thời gian khoảng 6h.
Hiện tỉnh Ninh Bình đang thực hiện miễn phí toàn bộ các chi phí, gồm xét nghiệm, cung cấp 3 bữa ăn trong ngày, bố trí phương tiện đưa người sau cách ly trở về nơi cư trú đối với các trường hợp cách ly tại cơ sở y tế và khu cách ly tập trung. Chính sách ưu đãi này được thực hiện đồng bộ cho cả người Việt Nam và người nước ngoài khi có mặt tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.
Đối với những người có kết quả xét nghiệm là dương tính với SARS-CoV-2 thì có nghĩa là đã mắc bệnh. Bệnh nhân sẽ được nhập viện để điều trị và cách ly hợp lý, nhằm tránh lây lan bệnh cho người khác. Về chi phí điều trị đối với bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, nếu là người Việt Nam cũng được miễn phí toàn bộ.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ
Mỹ Hạnh (Thực hiện)