"Ở bang chúng tôi, người Đức gốc Việt sinh sống, làm việc và học tập khá đông, vì thế người Đức cần phải hiểu văn hóa, nguồn cội của người Việt Nam để cùng chung sống tốt hơn"
Xuất phát từ thực tế đó, hàng năm chúng tôi đưa hàng chục bạn trẻ thế hệ 8X, 9X đến tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người dân trên đất nước các bạn..." - Bà Sonnenberg Petra, Giám đốc Trung tâm văn hóa giáo dục thanh thiếu nhi thành phố Magdeburg (OASE) nói.
Sau 3 ngày ở Hà Nội và được đi thăm Lăng Bác, Văn Miếu Quốc Tử Giám, làng nghề Bát Tràng, tham quan Hồ Tây, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam... các bạn trẻ Đức bày tỏ sự vui mừng và hồi hộp chờ đón những chương trình tiếp theo trong những ngày ở Việt Nam.
Nguyễn Đức Nam là cái tên Việt Nam của cậu học sinh lớp 9 (sinh năm 1994) được bố mẹ đặt cho và dùng khi trở về đất Tổ. Gia đình Nam định cư tại Đức trước khi cậu chào đời nên cậu học sinh háo hức ngày được về quê hương của bố mẹ.
"Em rất muốn được nói thật nhiều tiếng Việt nhưng em chỉ có cơ hội thực hành rất ít vào buổi tối khi nói chuyện với bố" - Nam cẩn thận nói từng từ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Trước khi sang Việt Nam, đoàn thanh niên Đức đã có 10 ngày để tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và lối sống của người Việt. Giai điệu bài Bèo dạt mây trôi được các bạn tự tin ngân nga khiến những người Việt có mặt tại buổi gặp gỡ thực sự xúc động. Nhiều bạn trẻ cố gắng nói tiếng Việt bằng vốn từ ít ỏi.
"Chúng tôi muốn khám phá nhiều hơn, hiểu hơn nữa người dân Việt Nam, một đất nước thanh bình và mến khách" - Nils Falkenberg, chàng trai 20 tuổi khẳng định.
Trước khi sang Việt Nam tham gia chương trình giao lưu này, Nils chuẩn bị sẵn sàng cho 1 năm ở lại làm tình nguyện viên, hòa mình cùng thanh niên Việt Nam tham gia các chương trình tình nguyện.
Theo lịch trình, đoàn thanh niên Đức sẽ tiếp tục tới thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ em Hải Dương, Rừng quốc gia Cúc Phương, Cố đô Huế...
Theo Tienphong