Năm 1992, trên địa bàn tỉnh có 285 doanh nghiệp (230 doanh nghiệp tư nhân, 55 doanh nghiệp nhà nước) thì đến hết năm 2011 cả tỉnh có 3.283 doanh nghiệp (3258 doanh nghiệp tư nhân , 25 doanh nghiệp nhà nước), tăng 11,5 lần. Năm 2011, khối các doanh nghiệp nộp ngân sách đạt 1.600 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng thu ngân sách của tỉnh và bằng 400 lần so với năm 1992. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh với nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty, kinh doanh đa ngành, thu hút hàng chục nghìn lao động.
Năm 2012, các doanh nghiệp cần nắm bắt chủ trương giải pháp của Chính phủ, của tỉnh tính toán thận trọng, cân đối các mặt sản xuất đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Chú ý chăm lo đời sống người lao động, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu hợp lý hóa sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động và tăng hiệu quả kinh tế.
Phát biểu với hội nghị, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nêu bật những thành tựu về phát triển kinh tế của tỉnh nhà sau 20 năm tái lập tỉnh và khẳng định thành quả đó có sự đống góp quan trọng của các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Dự báo trong năm 2012 còn nhiều khó khăn, đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ và đề nghị các doanh nhân, doanh nghiệp: Chủ động khắc phục khó khăn, giữ vững ổn định sản xuất. Phát huy thế mạnh của địa phương về các nguồn nguyên liệu, sức lao động chủ động mở rộng thị trường cả về quy mô và thương hiệu. Tích cực tham gia đào tạo và sử dụng lao động tại địa phương. Thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước và nhân dân.
Hiệp hội doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu quả thiết thực. Chủ động tìm hiểu nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, kiến nghị đề xuất với Tỉnh và các Bộ, ngành có giải pháp kịp thời tháo gỡ cho các doanh nhân, doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tin, ảnh: Đinh Chúc