Hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Thứ Bảy, 10/10/2020, 01:50
Zalo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra 3 khâu đột phá, 7 chương trình trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, trong đó xác định cải cách hành chính (CCHC) là nội dung quan trọng, cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong suốt nhiệm kỳ. Trong đó hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước là khâu quan trọng của tiến trình CCHC, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Để thực hiện nội dung này, thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, như: Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử của tỉnh; Nghị quyết của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2018 - 2023; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025...
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin; Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử để kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, hạ tầng kỹ thuật của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thường xuyên được nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị. 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ (LAN); 100% cơ quan, đơn vị được kết nối đường truyền Internet tốc độ cao để phục vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ, chuyên ngành. Cùng với đó, hạ tầng mạng truyền dẫn hiện đã được kết nối tới thiết bị đầu cuối cho tất cả các cơ quan Nhà nước trong tỉnh bằng đường truyền cáp quang. Trung tâm tích hợp dữ liệu đang được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II phục vụ hoạt động truyền số liệu và ứng dụng CNTT cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đã tập trung số hóa hồ sơ lưu trữ, hồ sơ quản lý ngành; tập trung đầu tư xây dựng Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu nội tỉnh (LGSP) của tỉnh, tạo nền tảng hạ tầng phục vụ và dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các ngành, địa phương trong tỉnh và kết nối với Trục kết nối, chia sẻ dữ liệu Quốc gia (NGSP); đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT và trang thiết bị phục vụ công tác tích hợp và triển khai hệ thống phần mềm nền tảng tích hợp giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị và trang bị máy chủ bảo mật đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật thông tin kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ quản lý toàn bộ báo cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh trên cơ sở thống nhất các biểu mẫu, chỉ số, gói tin báo cáo, thực hiện kết nối liên thông với hệ thống báo cáo Chính phủ.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, cung cấp đầy đủ tính năng của cổng và cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin chỉ đạo điều hành. Toàn tỉnh có 27/27 cơ quan Nhà nước đã xây dựng được trang thông tin điện tử, trong đó 8 đơn vị có trang TTĐT tổng hợp, riêng Sở Du lịch hiện đang quản lý 3 trang TTĐT tổng hợp.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình. Ảnh: Trường Giang
Tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 1.914 chứng thư số; cấp SIM PKI phục vụ việc ký số trên thiết bị di động cho hơn 100 cá nhân của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong gửi nhận hồ sơ, văn bản điện tử được các cơ quan, đơn vị quan tâm, quyết liệt triển khai, đến nay đã có khoảng 70% cơ quan, đơn vị thực hiện chữ ký số đối với tổ chức và cá nhân là lãnh đạo trong gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành được thực hiện thường xuyên trên hệ thống phần mềm chỉ đạo điều hành công việc của UBND tỉnh và Hệ thống phần mềm quản lý văn bản của tỉnh. Từ tháng 8/2016, tỉnh bắt đầu chuyển đổi sang sử dụng phần mềm quản lý văn bản VNPT- iOffice của Viễn thông Ninh Bình thay thế phần mềm trước đây (eOffice) tại một số đơn vị để gửi hoặc nhận các văn bản điều hành của UBND tỉnh và thực hiện kết nối liên thông văn bản 4 cấp từ Trung ương đến UBND các xã, phường, thị trấn.
Đến nay, Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, nhằm tăng cường việc sử dụng Hệ thống Thư điện tử (Email) công vụ trong việc điều hành, trao đổi công việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì nâng cấp, chuẩn hóa hệ thống mail công vụ tỉnh Ninh Bình và xây dựng Quy chế sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ. Đến nay Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Ninh Bình đã cấp 3.464 tài khoản sử dụng; tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh được cấp là 100%. Tính đến hết năm 2019 có 85% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 65% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện; 25% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại các cơ quan, đơn vị cấp xã.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thực hiện hệ thống phần mềm một cửa điện tử được tỉnh đẩy mạnh triển khai từ năm 2016 và đạt được nhiều kết quả. Năm 2016 có 82 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, không có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thì đến nay đã có 516 dịch vụ công mức độ 3 và 299 dịch vụ công mức độ 4 được thực hiện. Năm 2017, tỉnh bắt đầu triển khai Cổng dịch vụ công (Một cửa điện tử), tiếp nhận 13.334 hồ sơ, đã giải quyết được 12.186 hồ sơ, trong đó có 373 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Năm 2019, Cổng dịch vụ công của tỉnh được triển khai và hoạt động ổn định, hiệu quả cho 20 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện và các xã, phường, thị trấn với tổng số 2.108 thủ tục (trong đó, mức độ 1, 2 là 1.289 thủ tục, mức độ 3 là 502 thủ tục, mức độ 4 là 317 thủ tục); tiếp nhận 192.098 hồ sơ, giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 99,8%.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT, việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính Nhà nước đã đem lại hiệu quả thiết thực, cải tiến lề lối, phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đến nay, 43/43 cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thuộc diện bắt buộc và 117/143 đơn vị hành chính cấp xã hoàn thành việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, trong đó có 63 cơ quan, đơn vị áp dụng theo phiên bản mới TCVN ISO 9001:2015. Việc triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đã giúp các cơ quan, đơn vị trong tỉnh xây dựng và kiểm soát các quy trình giải quyết TTHC một cách rõ ràng, thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch trong thực hiện các dịch vụ hành chính công, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.