Chúng tôi có dịp làm việc với Quỹ TDND cơ sở Khánh Phú, là một trong những quỹ đã làm tốt công tác huy động, tạo nguồn vốn cho nhân dân vay, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề. Ông Lê Hữu Hạnh, Giám đốc Quỹ TDND cơ sở Khánh Phú cho biết: Đến nay cùng với nguồn vốn của Quỹ tín dụng Trung ương và vốn từ các dự án Trung ương, Quỹ TDND Khánh Phú đã đáp ứng đủ vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Dư nợ cho vay đạt trên 21 tỷ đồng, với trên 500 lượt thành viên được vay vốn. Hầu hết các hộ được vay vốn đều làm ăn có hiệu quả và đảm bảo trả lãi và gốc đúng hạn.
Từ đồng vốn vay của Quỹ, đã giúp người dân trong xã chuyển đổi ngành nghề và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế với quy mô lớn có hiệu quả. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Phú An, năm 2004 khi ruộng bị thu hồi xây dựng Khu công nghiệp Khánh Phú, gia đình anh đã chuyển đổi và đầu tư sang mô hình chăn nuôi tổng hợp. Là một trong những thành viên đầu tiên được vay vốn của quỹ, anh đã đầu tư làm trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá. Đến nay, gia đình anh có một trang trại chăn nuôi với thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả hoạt động của hệ thống Quỹ TDND cơ sở, ông Đinh Quang Ân, Phó Giám đốc Quỹ tín dụng Trung ương Ninh Bình cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 37 Quỹ TDND cơ sở với gần 30.000 thành viên. Một trong những yếu tố tạo nên sự thuận lợi đối với hệ thống Quỹ TDND cơ sở là địa bàn hoạt động của các Quỹ hầu hết đều nằm trong phạm vi 1 xã hoặc 1 phường nên đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương như tạo điều kiện về đất đai xây dựng trụ sở làm việc; công tác tổ chức cán bộ, xử lý, thu hồi nợ xấu... Là thành viên trong hệ thống quỹ tín dụng, các Quỹ TDND cơ sở luôn được Quỹ tín dụng Trung ương Ninh Bình ưu tiên tạo điều kiện về nguồn vốn, lãi suất để mở rộng cho vay đối với thành viên cũng như khả năng chi trả tiền gửi, làm tăng uy tín, chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đó, Quỹ tín dụng Trung ương Ninh Bình còn thường xuyên tư vấn cho các Quỹ thành viên về giải pháp khai thác nguồn vốn, điều chỉnh cơ cấu lãi suất, chính sách lãi suất, chiến lược khách hàng, đã góp phần mở rộng quy mô cũng như nâng cao chất lượng hoạt động cho các Quỹ TDND cơ sở.
Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống Quỹ TDND cơ sở cũng còn gặp nhiều khó khăn vì phần lớn các Quỹ TDND cơ sở đều hoạt động trên địa bàn nông nghiệp nông thôn thuần túy, trình độ nghiệp vụ của một số Quỹ còn yếu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động vốn nhàn rỗi cũng như chất lượng công tác tín dụng…
Qua quá trình phát triển, quy mô hoạt động của các Quỹ TDND cơ sở đã có bước tăng trưởng khá, chất lượng hoạt động tốt, chấp hành các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và có tính liên kết hệ thống tốt. Các quỹ TDND cơ sở thông qua việc cho vay đối với các thành viên, các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn nông thôn đã góp phần vào công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tổng dư nợ cho vay của các Quỹ tín dụng thành viên cơ sở đạt 905 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ tín dụng Trung ương 165 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để hệ thống Quỹ TDND cơ sở phát huy hơn nữa vai trò của mình trong phát triển KT- XH của địa phương, Quỹ Tín dụng Trung ương Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các Quỹ tập trung toàn bộ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay của nhân dân; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác phối kết hợp trong vấn đề kiểm tra và cho vay đối với các thành viên để nguồn vốn phát huy hiệu quả tốt nhất.
Hồng Giang