Như nhiều địa phương khác trong tỉnh, những năm đầu tái lập tỉnh, đường giao thông nông thôn ở xã Khánh Thịnh (Yên Mô) đi lại rất khó khăn bởi đường nhỏ hẹp, gập ghềnh. Người dân có việc muốn lên trung tâm huyện, tỉnh phải mất thời gian đến cả ngày.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xã Khánh Thịnh đã quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm đẩy mạnh việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa các thôn, xóm và các xã, thị trấn trong huyện.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng tâm hiệp lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Từ năm 2011 đến nay, xã Khánh Thịnh đã tiến hành nâng cấp, chỉnh trang 137 tuyến đường giao thông thôn xóm với chiều dài 8,7km, trị giá hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, 100% trục đường giao thông của xã và 90% đường ngõ, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa.
Có đường giao thông đi lại thuận tiện, nhân dân vui mừng phấn khởi thi đua lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp, cùng nỗ lực xây dựng một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, tại thời điểm tái lập tỉnh (1992), Ninh Bình chỉ có vài tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ với hệ thống đường nhỏ, hẹp, không bằng phẳng. Hệ thống cầu cống hầu hết đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu đi lại an toàn và thông thương.
Cùng với đó, rất nhiều xã thuộc vùng sâu, vùng xa của các huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn… chưa có đường ô tô đến trung tâm. Hệ thống giao thông chưa phát triển, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân các địa phương mang đậm tính tự cung tự cấp, việc thông thương hàng hóa chủ yếu được vận chuyển bằng những phương tiện thô sơ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Từ chủ trương thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kịp thời về giao thông vận tải, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào vận tải, đồng thời huy động nội lực với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để quy hoạch, xây dựng đồng bộ các tuyến đường giao thông ở các địa phương.
Theo đó, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Ninh Bình đã tập trung "sức người, sức của" và trí tuệ của toàn dân khôi phục, nâng cấp, xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, nhất là các công trình giao thông ở các huyện miền núi, vùng biển, đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống nhân dân, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn, phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Nổi bật trong đó là giai đoạn 2010-2016, nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm đã được đầu tư xây dựng, với tổng số 11 dự án lớn, có tổng mức đầu tư trên 13 nghìn tỷ đồng.
Tiêu biểu như: Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường cứu hộ, cứu nạn phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh-quốc phòng vùng biển Bình Sơn - Lai Thành, có tổng vốn đầu tư trên 650 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2015; nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ, với tổng vốn đầu tư trên 1.680 tỷ đồng, hoàn thành tháng 6-2015; dự án thành phần đầu tư xây dụng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 (giai đoạn 1, có tổng vốn đầu tư 1.311,6 tỷ đồng, đã hoàn thành cuối tháng 6-2015 và nhiều dự án lớn đã hoàn thành trong giai đoạn này như: Dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ cửa phía Bắc (Km258+700-Km262+700) và cửa phía Nam (Km267+400-Km277+00), thành phố Ninh Bình; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn cầu Đoan Vĩ - cửa phía Bắc và cửa phía Nam - Dốc Xây, thành phố Tam Điệp; tuyến đường tránh bão, cứu hộ, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh vùng biển (Tuy Lộc - Bình Minh), huyện Kim Sơn… với tổng nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, xác định rõ những tiềm năng về du dịch, phát triển công nghiệp - TTCN và nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến đường lớn, đường tránh tạo thuận lợi cho giao thông giữa các huyện, các vùng, các tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang thi công một số dự án lớn như: Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 (giai đoạn 2), với tổng vốn đầu tư là 2.374,6 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2017; dự án nâng cấp đường tỉnh ĐT.477B và cầu Trường Yên, có tổng vốn đầu tư là 1.308 tỷ đồng, năm 2016 đã hoàn thành cầu Trường Yên, phần đường hiện đang thi công; dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình, với tổng vốn đầu tư 1.706,9 tỷ đồng, sẽ hoàn thành trong năm 2017; dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, tổng vốn đầu tư 1.178 tỷ đồng, hiện đang thi công…
Cùng với hệ thống giao thông quốc lộ và tỉnh lộ, các tuyến đường trung tâm các huyện, thành phố, các tuyến đường giao thông liên xã liên thôn cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo diện mạo khang trang, thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương.
Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo gần 11.000 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 1.500 km, vốn đầu tư Nhà nước trên 850 tỷ đồng, nguồn vốn đóng góp của nhân dân là 370 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 60/119 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông, phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Có thể nói, sau 25 năm nhìn lại, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Ninh Bình đã có bước chuyển biến vượt bậc. Sự phát triển của mạng lưới giao thông đã góp phần quan trọng trong việc thông thương hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Giao thông phát triển cũng đã tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế và nhân dân các vùng trong tỉnh có điều kiện giao thương với nhau và với các tỉnh lân cận, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân nhiệm kỳ 2010-2015 đạt 11,7%/năm; GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2010-2015 đạt 41,5 triệu đồng/người, tăng gần 5 lần so với năm 1992; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ…
Đến nay, 100% xã đã có đường giao thông đến trung tâm; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt gần 100%; 100% các xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động...
Mỹ Hạnh