Công ty KTCTTL tỉnh là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động công ích trong lĩnh vực tưới, tiêu, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Những năm qua Công ty đã thực hiện tốt và đầy đủ các chính sách pháp luật của nhà nước, như: hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh giao; bảo toàn phát huy hiệu quả các nguồn vốn; làm tốt công tác phòng chống thiên tai; tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tài chính và lao động; thực hiện tốt các chế độ chính sách với người lao động và các chính sách của Trung ương, Tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách miễn giảm thủy lợi phí theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ.
Trong 2 năm (2016, 2017) Công ty đã được cấp hỗ trợ do miễn giảm thủy lợi phí, khắc phục hậu quả do thiên tai, xây dựng sửa chữa các công trình thủy lợi với tổng số tiền là 188.594 triệu đồng; trong đó: Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương 173.270 triệu đồng, ngân sách địa phương 15.324 triệu đồng với việc hỗ trợ miễn giảm thủy lợi phí 162.570 triệu đồng, khắc phục hậu quả thiên tai 14.300 triệu đồng, nâng cấp công trình thủy lợi 11.724 triệu đồng.
Nhìn chung chính sách hỗ trợ miễn giảm thủy lợi phí của Nhà nước đã thực sự có tác dụng thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, hạn chế tình trạng bỏ ruộng của người nông dân.
Tại Sở LĐTB&XH, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản về công tác đào tạo nghề, gắn đào tạo với giải quyết việc làm tại chỗ và công tác giảm nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong 2 năm (2016,2017) đã đào tạo nghề cho 34.100 người, gồm: Trung cấp, cao đẳng nghề có 9.600 người; sơ cấp nghề 24.600 người; trong đó, việc hỗ trợ nghề từ ngân sách nhà nước là 3.099 người (nghề phi nông nghiệp 2.240 người, nghề nông nghiệp 859 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2016 là 43%, năm 2017 là 46%.
Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm mới, hoặc làm việc cũ nhưng năng suất cao hơn là trên 80%. Kết quả: Đã góp phần tích cực vào việc thay đổi tư duy của người lao động sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và làm giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh không đồng đều; cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu; năng lực đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu; việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp chưa thường xuyên, kinh phí dành cho đào tạo nghề còn thấp; chưa tập trung đào tạo nghề cho nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa thực hiện được do vướng mắc trong các văn bản hướng dẫn...
Tại các đơn vị Đoàn đến khảo sát, các thành viên trong Đoàn cũng đã trao đổi để hiểu rõ một số vấn đề liên quan: Chính sách miễn giảm thủy lợi phí, quy trình thực hiện chính sách; hiệu quả việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của Trung ương và Tỉnh có kịp thời, đúng đối tượng; hình thức và phương thức triển khai đào tạo nghề trong nông nghiệp, nông thôn...và đã được các lãnh đạo các đơn vị trên giải đáp, giải trình, phân tích, trả lời đầy đủ.
Trao đổi với các đơn vị trên, đồng chí Đinh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn khảo sát cho biết: Mục đích của Đoàn khảo sát, nắm bắt chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn của Trung ương và Tỉnh có những ưu và nhược diểm gì; khó khăn, vướng mắc, bất cập khi thực hiện từ đó có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương, Tỉnh kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, hoặc thay thế.
Báo cáo của Công ty KTCTTL cho thấy được những hoạt động của Công ty; thuận lợi và khó khăn, nhất là những khó khăn đang gặp. Qua đây cũng cho biết chính sách miễn giảm thủy lợi phí của Nhà nước đã thực sự có hiệu quả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng. Công ty cần hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Đoàn cho đầy đủ và gửi về văn phòng HĐND tỉnh trước ngày 28/3.
Tại sở LĐTB&XH, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Công tác dạy nghề cho vùng nông thôn trong các năm qua chịu nhiều yếu tố tác động nên kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhưng cũng đã có tác động tích cực đến người nông dân. Sở đã chủ đông và kịp thời tham mưu cho Tỉnh ban hành các văn bản về đào tạo tạo nghề; phân cấp đào tạo nghề và cấp thẳng kinh phí cho các địa phương, ngành thực hiện. Chính sách đào tạo nghề cho người dân vùng nông thôn đã đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tháo gỡ nhận thức cho người nông dân và một số lãnh đạo địa phương. Những khó khăn, vướng mắc và kíến nghị đề xuất của Sở, Đoàn ghi nhận để báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh.
Đinh Chúc- Trường.Giang