Theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện nay Ninh Bình có trên 237 nghìn thanh niên, chiếm trên 25% dân số, trên 45% lực lượng lao động xã hội trong tỉnh. Sau 8 năm triển khai thực hiện Luật Thanh niên, công tác thanh niên của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục nhận thức lý luận chính trị cho thanh niên không ngừng được mở rộng, trình độ lý luận chính trị của thanh niên được nâng cao.Toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 300 buổi học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Thanh niên tới các đối tượng ĐVTN và cơ sở đoàn; thành lập được 6 đội tuyên truyền thanh niên và trên 50 câu lạc bộ pháp luật trẻ…
Nhiều đơn vị, địa phương đã có hoạt động cụ thể trong việc phát triển thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên tham gia phát triển KTXH; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và các nhiệm vụ cấp bách tại địa phương.
Trong đó đáng chú ý là Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đến hết năm 2014 là 154 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 5.600 ĐVTN.
Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút thanh niên có tài năng và trình độ cao về công tác. Qua đó tỉnh đã thu hút 680 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và thạc sỹ về công tác tại cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, 685 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học về công tác tại các xã, phường, thị trấn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được quan tâm thực hiện. Từ năm 2007 đến 2014 đã có trên 1 nghìn cán bộ công chức, viên chức, cán bộ công chức cấp xã được cử đi học bác sỹ, dược sỹ, sau đại học. Đã có 52% thanh niên là bộ đội xuất ngũ được học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng.
Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tham mưu giải quyết chính sách liên quan đến thanh niên được tăng cường góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
Sau 8 năm thực hiện Luật thanh niên, tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan về một số nội dung của Luật như: thể chế hóa nội dung của Đề án tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên, quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước về công tác thanh niên, quy định rõ và tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ của thanh niên, bổ sung thêm các quy định, chế tài xử lý vi phạm, thanh và kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh khẳng định sau 8 năm thực hiện Luật Thanh niên, công tác thanh niên của tỉnh đã đạt được một số kết quả thể hiện ở trình độ lý luận của thanh niên ngày càng được nâng cao; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, giải quyết việc làm cho thanh niên được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn. Do đó, thanh niên đã và đang tiếp tục là lực lượng xung kích, tích cực trên các lĩnh vực phát triển KTXH của địa phương.
Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai Luật cũng còn một số khó khăn, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hàng năm xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của mỗi cơ quan, đơn vị. Triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên của tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung về dạy nghề, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên, chăm sóc sức khỏe… Đồng thời bố trí nhân lực, kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên của tỉnh.
Đào Duy-Thế Minh