Báo cáo của Sở KH&ĐT cho biết: Sở KH&ĐT đã khẩn trương trình UBND tỉnh về chính sách đặc thù thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 với quy định chính sách đặc thù hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 và được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND ngày 22/7/2015 và sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 13/9/2015 để thực hiện. Ngày 13/7/2016, sở KH&ĐT cũng đã ban hành văn bản 1476/KHĐT-NN hướng dẫn về trình tự thủ tục thực hiện hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh.
Kết quả, tính đến nay tỉnh Ninh Bình đã có 7 dự án được hỗ trợ theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP với tổng số vốn được là 50.847 triệu đồng, trong đó có: 37.507 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, 13.340 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Tổng kinh phí đã cấp cho các dự án trên là 23.382 triệu đồng, trong đó có 20.000 triệu đồng là ngân sách trung ương (bố trí trong năm 2015), ngân sách tỉnh là 3.382 triệu đồng (bố trí trong năm 2016, 2017); Như vậy số vốn mới chỉ bố trí được 46% so với nhu cầu cần hỗ trợ.
Trong 7 dự án nêu trên chỉ có 2 dự án trực tiếp đầu tư vào phát triển nông nghiệp là: Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao (Công ty CP giống bò thịt sữa Yên Phú-Nho Quan) và trang trại chăn nuôi lợn giống và lợn thịt tại Xích Thổ-Nho Quan của Công ty CP thức ăn chăn nuôi Trung ương. Số lượng dự án và số vốn cấp như trên cho thấy hiệu quả của Nghị định 210 chưa cao, chưa có tác dụng nhiều trong việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Ninh Bình.
Với Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh, mặc dù các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thúc đẩy thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của trên; nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào có hồ sơ đề xuất hưởng chính sách theo Nghi quyết này mà nguyên nhân là do chủ yếu các hộ, gia đình, cá nhân đầu tư dưới hình thức gia trại, trang trại là chủ yếu; còn dưới hình thức doanh nghiệp thì rất ít; mức hỗ trợ theo Nghị quyết 13 lại thấp hơn so với Nghị định 210; công tác tuyên truyền phổ biến Nghị quyết chưa sâu rộng; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rủi ro cao, hiệu quả không lớn, thu hồi vốn chậm... nên ít được doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong Đoàn cũng đã trao đổi thêm với Sở KH&ĐT về những vấn đề cần quan tâm, các vấn đề chưa rõ: Công tác phối hợp truyên truyền, phổ biến chính sách; nguyên nhân của việc thực hiện các chính sách không được hiệu quả; hiệu quả sử dụng nguồn vốn đã được hỗ trợ...và được lãnh đạo sở KH&ĐT giải trình, giải đáp, tiếp thu.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Đây là hoạt động của HĐND tỉnh thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ mà Luật đã quy định nhằm mục đích: Nắm được việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương và Tỉnh trong phát triển nông nghiệp; kết quả thực hiện các chính sách của Trung ương và Tỉnh; những thuận lợi khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; những kiến nghị và đề xuất nhằm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, thay thế đẻ cho chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp của Trung ương và tỉnh ngày càng tốt, phù hợp và kịp thời hơn.
Sở KH&ĐT đã chuẩn bị chu đáo, đầy đủ làm việc với Đoàn; báo cáo công phu, chi tiết, đầy đủ và bám sát vào đề cương hướng dẫn. Đoàn ghi nhận vai trò của Sở KH&ĐT trong việc tham mưu, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương và Tỉnh; phối hợp tốt với các sở ngành trong việc tuyên truyền về chính sách đầu tư vào nông nghiệp.
Đồng chí Phó chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghi: Việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách cần phải sâu sát, cụ thể hơn và khi đã có cơ chế chính sách cần ban hành ngay hướng dẫn thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các chính sách theo hướng kịp thời và đầy đủ đến mọi đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện những bất cập và có đề nghị bổ sung, sửa đổi kịp thời.
*Buổi chiều, Đoàn giám sát HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với Sở Tài chính về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2017.
Đoàn làm việc tại Sở Tài chính.
Những năm qua, Sở Tài chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch, các Quyết định, hướng dẫn quy định chi tiết để thi hành Nghị Quyết của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ động tham mưu, bố trí kinh phí cho các đơn vị ngay trong dự toán đầu năm, đảm bảo kịp thời thực hiện chính sách.
Tổng kinh phí ngân sách Trung ương bố trí để thực hiện chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, năm 2016 là 20 tỷ đồng và kinh phí bố trí để thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016 là 27,4 tỷ đồng, năm 2017 là 75,3 tỷ đồng. Kết quả giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương năm 2016 là 20 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ của tỉnh năm 2016 là hơn 20 tỷ đồng và năm 2017 trên 57 tỷ đồng.
Tuy nhiên việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp vẫn còn những khó khăn, hạn chế: tỉnh ta vẫn đang áp dụng nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông, chương trình giống từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định mức cho của Trung ương, tỉnh chưa có quy định riêng, cụ thể cho phù hợp; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành chưa quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng, cơ chế hỗ trợ các nội dung hỗ trợ nên trong quá trình thực hiện năm 2017 nảy sinh khó khăn, vướng mắc.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã trao đổi, thảo luận với lãnh đạo Sở Tài chính làm rõ một số nội dung: Công tác phối hợp tham mưu ban hành các Nghị Quyết, Kế hoạch, Quyết định về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp; Việc bố trí và giải ngân kinh phí dồn điền đổi thửa; Công tác tuyên truyền thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.....
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao công tác tham mưu của Sở Tài chính đối với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chính sách, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ta.
Đồng thời Sở đã chủ động rà soát, đề xuất những nội dung cần điều chỉnh, cần bãi bỏ để nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành. Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài Chính chỉnh sửa, bổ sung thêm vào báo cáo những cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để Đoàn giám sát tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Đinh Chúc- Hồng Giang- Đức Lam