Theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, thì khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất tự nhiên không được nhỏ hơn 11 m đối với lưới điện áp đến 35 KV.
Như thế thì tính đến nay, trên địa bàn Ninh Bình có 263 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó lưới điện áp cấp 35 kV có 61 điểm vi phạm; lưới điện áp cấp 10 KV có 202 điểm vi phạm.
Một số điểm vi phạm nghiêm trọng ở lưới điện áp 35KV như tại Lộ 376 - A37 (Chi nhánh Điện thành phố Ninh Bình quản lý, vận hành) từ cột số 8 dến 12 đường dây qua phố Vạn Thịnh- phường Bích Đào, nhiều nhà dân cơi nới công trình phụ đã vi phạm hành lang và việc san lấp mặt bằng để làm 2 đường giao thông mới, công trình Đài tưởng niệm của phường Bích Đào đã vi phạm khoảng cách an toàn pha - đất, cụ thể là điểm thấp nhất đo được giữa dây dẫn đến mặt đất là 3,51 m. Tại Lộ 373 - A37, từ cột 32 - 35 đường dây đi qua khu vực xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình), phía dưới san lấp mặt bằng để thi công đường giao thông, cống thoát nước vi phạm khoảng cách an toàn pha - đất, đo độ cao dây dẫn đến mặt đường là 4,4 m. Lộ 373 - E 23.2, đường dây 35 KV đi trung gian Rịa vượt qua đường cứu nạn, cứu hộ trên địa phận thôn Thượng Cát (Văn Phú, Nho Quan) có độ cao dây dẫn đến mặt đường đo được là 4,2m vi phạm hành lang lưới điện...
Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm là do quy hoạch mạng lưới điện trên và qua địa bàn tỉnh ta đã có từ lâu. Mặc dù Ninh Bình đã luôn có sự đầu tư phát triển lưới điện, nhưng đến nay quy mô đó không còn đồng bộ, không đáp ứng kịp sự chuyển mình lớn trong phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, của công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Nhiều công trình xây dựng các khu tái định cư, tu sửa, làm mới đường giao thông, xây dựng các nhà máy, trụ sở doanh nghiệp... đã và đang thi công vào hành lang lưới điện cao áp.
Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền của một số địa phương cấp đất ở cho người dân nhưng không tính toán, chú ý đến lưới điện ở trên không. Ngoài ra, còn do ý thức hạn chế của một bộ phận nhân dân về mức độ nguy hiểm của lưới điện đến sức khỏe, tính mạng nên trong khi xây dựng các công trình đã cố tình cơi nới, lấn chiếm thêm hành lang hoặc không chú ý đến đường điện, an toàn thi công, hay sử dụng điện.
Thực trạng vi phạm đó đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Hẳn nhiều người dân của phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) chưa thể quên được vụ tai nạn điện làm chết 2 người vào năm 2007 tại lộ 376 - A37, lưới điện áp 35 KV, đường dây từ cột số 10 - 12 thuộc địa phận phường. Do khoảng cách an toàn pha - đất không đảm bảo theo quy định, độ cao từ dây dẫn đến mặt đất chưa được 4 m, nên trong khi thi công xây dựng công trình, người lao động sơ suất, không chú ý, đã uốn cây thép đập vào đường dây điện khiến tai nạn xảy ra. Những vụ tai nạn như thế là sự cảnh báo cho người dân, thế nhưng hàng năm, trên địa bàn, các vụ tai nạn điện vẫn không hạn chế được.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh đã có 4 vụ tai nạn về điện, trong đó, lưới cao áp có 2 vụ. Hậu quả của việc vi phạm hàng lang lưới điện là người dân gánh chịu và trách nhiệm thuộc về chính quyền các cấp, các ngành phải lo.
Thiết nghĩ, trước mắt, ngành chức năng cần có sự bổ sung xây dựng quy hoạch lưới điện cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và có định hướng lâu dài. Là đơn vị quản lý, vận hành, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình cần thực hiện các giải pháp cấp bách để ngăn chặn sự cố, tai nạn tại các điểm vi phạm nghiêm trọng chưa giải tỏa được như làm barie, các biển báo, rào chắn ngăn cản ở các đường giao thông giao chéo với đường dây điện cao áp đi qua không đủ khoảng cách an toàn, cảnh báo người dân, các phương tiện đi lại qua những nơi nguy hiểm đó.
Đồng thời phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về an toàn điện, ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, tờ rơi. Thường xuyên tiến hành kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn lưới điện để phát hiện kịp thời những vi phạm; duy tu, bảo dưỡng đường dây đúng thời hạn quy định, không vận hành quá tải đối với đường dây... Có như vậy mới đảm bảo hạn chế nguy cơ mất an toàn cho người và lưới điện.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm