Để nghệ thuật hát Xẩm có thể trường tồn, tỉnh Ninh Bình đang có những động thái tích cực nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát triển loại hình âm nhạc dân tộc này và mục tiêu tiếp theo là trình UNESCO công nhận hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, có thể nói Ninh Bình là "cái nôi" của loại hình nghệ thuật hát Xẩm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Xẩm đang bị thất truyền trên chính quê hương của nó. ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Hát Xẩm (hay còn gọi là hát rong) là một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền của dân tộc, vừa bình dân, vừa chuyên nghiệp, vừa độc đáo, vừa đặc sắc lại vừa quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam. Hát xẩm có nguồn gốc từ lâu đời, là một trong những "món ăn tinh thần" của người dân Việt Nam. Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam của đồng bằng Bắc Bộ, nơi có Cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt, nơi phát tích của nghệ thuật chèo và cũng là vùng đất có những nghệ nhân tiêu biểu nhất của dân tộc đang lưu giữ loại hình nghệ thuật hát Xẩm. Vì thế, có cơ sở để khẳng định Ninh Bình là một trong những "cái nôi" của loại hình nghệ thuật hát Xẩm cổ truyền.
Nghe bà hát Xẩm. Ảnh: Vũ Đức Phương
Cũng giống như các loại hình nghệ thuật cổ truyền khác của dân tộc, hát Xẩm vốn có lịch sử tồn tại, phát triển từ nhiều thế kỷ trong không gian văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hát Xẩm có lúc bị lãng quên, nhiều nghệ nhân và người yêu loại hình nghệ thuật này đã từng phải giấu đi niềm đam mê hát xướng, thậm chí giấu cả nghiệp hát và thân phận của mình. Cho nên, đội ngũ của họ ngày càng thưa thớt và hiếm hoi.Vì vậy, loại hình nghệ thuật hát Xẩm đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Một trong những nguyên nhân chính đó là việc vắng bóng của các nghệ nhân hát Xẩm. Ngay cả những người trẻ tuổi biết hát Xẩm hoặc được truyền nghề hiện nay cũng rất hiếm. Không những thế, những người trẻ biết về Xẩm cũng chưa thực sự đầy đủ, thiếu về kỹ năng, vốn liếng trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian độc đáo và quý giá này. Một số nghệ nhân tiêu biểu của Ninh Bình như nghệ nhân-nghệ sỹ ưu tú hát Xẩm Hà Thị Cầu (Yên Phong - Yên Mô) hiện đã rất già yếu, khả năng nhớ và hát các làn điệu Xẩm cũng dần mai một. Bên cạnh đó, hát Xẩm lại thường được dạy qua con đường truyền khẩu và có những quy định nghiêm ngặt đối với người theo học. Đấy là chưa kể thời gian, công sức bỏ ra để thành nghề cũng là một vấn đề không nhỏ đối với người theo học. Vì vậy, nguy cơ thất truyền loại hình nghệ thuật hát Xẩm là rất dễ xảy ra nếu như chúng ta không biết cách bảo tồn, lưu giữ và phát triển nó ngay từ bây giờ.
P.V: Vì sao Ninh Bình lại chọn hát Xẩm là loại hình văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn khẩn cấp, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Ngoài ý nghĩa bảo tồn một loại hình văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền trong dân gian thì Tỉnh đang phấn đấu đưa du lịch Ninh Bình trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, do đó văn hóa luôn phải được đề cao và song hành cùng với phát triển du lịch. Thực tế trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng nhanh, nhưng số lượng khách lưu trú còn khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Ninh Bình còn thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí. Nhu cầu khám phá giá trị văn hóa địa phương như: hát Xẩm, hát Chèo, mùa Rối nước… là một trong những nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Do vậy, bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát Xẩm chính là làm phong phú thêm các tài nguyên du lịch, góp phần thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Ninh Bình. Với những mục tiêu này Ninh Bình đang nỗ lực để trình UNESCO công nhận hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
P.V: Để thực hiện bảo tồn loại hình nghệ thuật hát Xẩm, Tỉnh đã có phương án nào?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm". Mục tiêu của Đề án là sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền, dàn dựng chương trình hát Xẩm, bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát Xẩm thông qua các hoạt động biểu diễn và trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương.
Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh đã mời các nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú ở Trung ương và địa phương sưu tầm các làn điệu, các bài hát Xẩm cổ truyền, biên soạn chương trình và trực tiếp truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm cho các diễn viên, nhạc công Nhà hát chèo Ninh Bình và các diễn viên quần chúng ở xã Yên Phong (Yên Mô).
Sau khi được các nghệ nhân, nghệ sỹ ở Trung ương và địa phương trực tiếp truyền dạy, các diễn viên, nhạc công nhà hát chèo Ninh Bình phối hợp với các diễn viên quần chúng ở xã Yên Phong sẽ cùng biểu diễn chương trình nghệ thuật hát Xẩm, thực hiện ghi hình, thu tiếng. Thông qua hoạt động biểu diễn, phục vụ các sự kiện của Tỉnh và biểu diễn phục vụ khách du lịch, hoạt động của các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, nghệ thuật hát Xẩm sẽ được bảo tồn, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
P.V: Nếu được UNESCO công nhận nghệ thuật hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, thì đây thực sự là một tin mừng lớn đối với tỉnh Ninh Bình. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để bảo tồn và gìn giữ các di sản này cho đời sau và cho kho tàng âm nhạc nhân loại?
Đồng chí Trần Hữu Bình: Trong cuộc sống xã hội ngày càng sôi động, hối hả thì không gian văn hóa dành cho các loại hình văn hóa như hát Xẩm cổ truyền ngày càng thu hẹp hoặc bị thay đổi. Giới trẻ hiện nay số đông không hiểu hết giá trị của hát Xẩm, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức âm nhạc mới, hiện đại, ít quan tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Vì vậy, nguy cơ khó bảo tồn và phát huy được các giá trị của di sản âm nhạc không phải là không có.
Với sự phát triển của nghệ thuật dân tộc, có một điều hiển nhiên là không ai có thể giữ gìn nét đẹp văn hóa tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình nghệ thuật ấy. Như âm nhạc dân tộc chẳng hạn, không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó.
Để có thể duy trì sức sống cho các loại hình âm nhạc dân tộc vốn đã được nhân loại tôn vinh, thì trước hết, các di sản văn hóa ấy phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được "sống" và tôn vinh trong chính cộng đồng của nó. Cho nên, cần bảo tồn và ứng xử với di sản văn hóa bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp, cái tinh túy của di sản văn hóa.
Muốn có được điều ấy, đã đến lúc chúng ta cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sự hiểu biết các tri thức văn hóa nói chung và di sản văn hóa dân tộc nói riêng, từ đó khơi dậy và nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong thế hệ trẻ.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)